Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài Nhật Thực (nhạc sĩ Viễn Chinh) – “Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em…”
Nhật Thực là tên bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Viễn Chinh và được khán giả yêu mến qua giọng hát của nữ ca sĩ Giao Linh cả trước và sau năm 1975. Nội dung bài hát là một câu chuyện ly kỳ có thật được chính nhạc sĩ Viễn Chinh kể lại.
Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em.
Từ khi quen biết đến khi em giã cõi đời,
Chúng mình không một lần vui
Chuyện tình hai đứa ươm bao là sầu và bao chua xót
Hay tin lần đầu tiên ngày em đã thành dâu,
Trời chưa nguôi nắng
Khổ đau chưa lắng cuối hồn, đã được tin người yêu mất.
Nhật thực che phủ tương lai cuộc đời cả trời âm u…
Ngưu Lang cùng Chức Nữ còn trông thấy mặt nhau
Mình mang nặng khối sầu đến thuở nào đây mới biết tin nhau
Xin chờ tôi nhé người mến yêu đến kiếp sau
Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em
Chồng em hay biết,
Chắc không nỡ xua đuổi người đã thiệt thua từ dạo đó.
Nhật thực che phủ tương lai cuộc đời ai thắng ai đây.
Giao Linh hát Nhật Thực trước 1975
Câu chuyện trong bài hát thật buồn về một chuyện tình sinh ly tử biệt. Ngưu Lang Chức Nữ ở trong truyền thuyết dù có bị lìa xa nhưng dù sao thì hàng năm còn được trông thấy mặt nhau, còn đôi người trong bài hát thì chỉ có thể hẹn đến kiếp sau. Bài hát không nói đến lý do của những khổ sầu và chua xót đó, nên người nghe nhạc không biết vì sao đôi người yêu nhau lại phải sinh ly tử biệt, và cũng ít người có thể đoán được ý nghĩa của tựa đề Nhật Thực của bài hát. Những thắc mắc đó được chính nhạc sĩ Viễn Chinh giải đáp khi người viết đến thăm nhạc sĩ đang cư ngụ ở Thủ Đức.
Nhạc sĩ Viễn Chinh tên thật là Nguyễn Quốc Việt, và bút hiệu Viễn Chinh được ông kết hợp từ tên của 2 người bạn thân thuở nhỏ là Viên Và Chinh. Ông thêm dấu (~) để thành tên Viễn Chinh. Từ nhỏ ông được học nhạc với một ma soeur, sau đó tự học sáng tác chứ không có thầy dạy. Những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của ông là kích động nhạc, những bài hát được sáng tác riêng cho Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là Hiểu Lầm, Chuyện Dài Hai Đứa, Phân Trần và Ông Mai Bà Mối.
Năm 1971, tình cờ Viễn Chinh gặp nhạc sĩ Anh Việt Thu tại nhà hàng Kim Sơn, sau một hồi trò chuyện, Anh Việt Thu đã thuyết phục Viễn Chinh chuyển sang viết nhạc tình cảm. Để gợi ý đề tài cho người bạn mới quen, nhạc sĩ Anh Việt Thu kể lại một câu chuyện tình buồn có thật ở vùng sông nước miệt vườn như sau:
Có 2 gia đình đã có mối thâm thù từ nhiều đời vì tranh chấp đất đai. Hai gia đình đó có 2 người con học chung trường lớp, và thật ngang trái là đôi trai gái đó đã cảm mến và yêu nhau với sự ngăn cấm quyết liệt của cả 2 gia đình. Thời gian sau đó cô gái bị gia đình ép gả cho người ở làng bên. Ở bên chồng nhưng cuộc sống không hạnh phúc, không lâu sau đó người con gái đã tự chấm dứt đời mình:
Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em.
Từ khi quen biết đến khi em giã cõi đời,
Chúng mình không một lần vui
Chuyện tình hai đứa ươm bao là sầu và bao chua xót
Hay tin lần đầu tiên ngày em đã thành dâu,
Trời chưa nguôi nắng
Khổ đau chưa lắng cuối hồn, đã được tin người yêu mất.
Nhật thực che phủ tương lai cuộc đời cả trời âm u…
Sự xích mích giữa 2 gia đình đã được khởi nguồn từ nhiều đời, nên từ khi quen biết cho đến khi cô gái lìa xa khỏi cõi trần, cuộc tình của 2 người trẻ chưa từng một lần nào được vui, cuộc tình được ươm toàn là những nỗi sầu và bao chua xót.
Ý nghĩa của chữ Nhật Thực trong tựa đề bài hát được nhạc sĩ Viễn Chinh giải thích, đó là khi nghe tin người yêu không còn nữa, thì với chàng trai, bầu trời như tối sầm lại, từ đó cho đến về sau chỉ còn là bóng đêm che phủ. Nỗi đau người yêu đi lấy chồng chưa nguôi thì nỗi đau khác lớn hơn lại ập tới… Ở cái tuổi đáng lẽ là tương lai rộng mở, nhưng những oan khiên của cuộc đời đã làm cho tất cả trở thành một màu u ám, không khác gì nhật thực làm cho bóng đêm buông xuống ngay ở giữa ban ngày.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn