Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” (Thanh Sơn) – “Mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”
Nhạc sĩ Thanh Sơn được xem là nhạc sĩ nổi tiếng nhất của những ca khúc viết về tuổi học trò. Từ những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của ông là Tình Học Sinh năm 1961, sau đó là Lưu Bút Ngày Xanh năm 1963, đều là những bài hát được yêu thích viết về một thuở học trò hoa niên cùng những tình cảm trong trẻo hồn nhiên, những cảm xúc bồi hồi đến từ buổi tan trường chung lối, hoặc là những dòng lưu bút đầy lưu luyến.
Trước khi sáng tác những bài hát học trò này, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng viết những ca khúc chủ đề khác, đó là những bài không mấy người biết đến như là Đôi Mươi, Chiều Nhớ Nhung, Một Mối Sầu, Người Nỡ Thế Sao, Người Ấy Là Ai… Chỉ khi thành công với Tình Học Sinh, sau đó là Lưu Bút Ngày Xanh, thì có lẽ nhạc sĩ Thanh Sơn nhận ra mình thích hợp với những ca khúc viết về thời học sinh mà hầu hết mọi người đều đã từng trải qua.
Vì vậy thời gian sau đó, ông đã có thêm những ca khúc viết về tình yêu tuổi học trò, đều đã trở thành ca khúc bất hủ: Hạ Buồn, Ba Tháng Tạ Từ, Thương Ca Mùa Hạ, và nổi tiếng nhất chính là Nỗi Buồn Hoa Phượng.
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
phút gần gũi nhau mất rồi tạ từ là hết người ơi
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng.
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
giờ như nước trôi qua cầu.
Giã biệt bạn lòng ơi!
Thôi nay xa cách rồi kỷ niệm mình xin nhớ mãi.
Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc.
Mối u hoài này ai có hay?
Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn.
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè thêm kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm
Đó là bài hát được sáng tác vào năm 1963 viết về một mối tình học trò có thật của chính tác giả thời trung học. Vào năm 1951, khi nhạc sĩ Thanh Sơn còn là một cậu bé 13 tuổi tên thật là Lê Văn Thiện, ông theo học trường trung học Hoàng Diệu ở quê nhà Sóc Trăng. Cùng lớp với Lê Văn Thiện có cô bạn học mang tên rất đặc biệt là Nguyễn Thị Hoa Phượng, là con của một gia đình công chức từ Sài Gòn về làm việc ở Sóc Trăng.
Tình cảm học trò với những rung động đầu đời làm cho cả 2 ngày càng thân thiết và gắn bó. Nhưng họ chỉ được học chung với nhau trong 2 năm, đến mùa hè năm 1953 thì cô Hoa Phượng phải chia tay trường lớp và rời Sóc Trăng để theo gia đình về lại Sài Gòn, vì cha của cô được điều chuyển công tác.
Lần cuối được gặp nhau, họ cùng đứng trên sân trường ngập màu phượng đỏ, lặng buồn nhìn nhau bâng khuâng không nói nên lời. Câu học sinh nói với bạn là giờ đây chia tay rồi không biết bao giờ mới có thể gặp lại được. Nghe vậy cô gái mang tên Hoa Phượng đáp lại:
“Mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ tới em! Bởi tên em là Hoa Phượng mà”.
Rồi từ đó, họ không bao giờ được gặp nhau lần nữa.
Tròn 10 năm sau ngày chia tay cô gái mang tên Hoa Phượng, vào mùa hè năm 1963 tại Sài Gòn, một lần tình cờ đi ngang qua một ngôi trường họ và nhìn thấy hoa phượng nở đỏ rực, chàng nhạc sĩ bỗng nhớ lại người xưa, cảm xúc ùa về để ông hoàn thành ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng, trong tên bài hát có tên của người xưa. Ông tâm sự như sau:
“Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy…
Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác. Có thể nói đó là “thời hoàng kim” của tôi, bởi tiền tác quyền lúc đó tôi nhận khoảng 6.000 đồng mỗi tháng. Nó không chỉ giúp gia đình tôi vượt qua nghèo khó mà sau đó tôi còn mua được nhà, xe… Nói một cách nào đó, “hoa phượng” là ân nhân của gia đình tôi”.
Thanh Tuyền hát Nỗi Buồn Hoa Phượng trước 1975
Ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng ra đời cùng lúc với sự xuất hiện của một giọng ca mới tươi mát đến từ Đà Lạt, đó là ca sĩ Thanh Tuyền. Khi giọng hát cao vút của cô cất lên lời bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng trên đài phát thanh Sài Gòn, cả ca sĩ lẫn ca khúc từ đó đã trở thành một hiện tượng. Bài hát có giai điệu dễ nghe, lời bài hát đơn giản nhưng dễ nhận được sự đồng cảm của đông đảo khán giả đại chúng, vì hầu như ai cũng đã một lần trải qua những cảm xúc bâng khuâng tuổi học trò, những tình cảm đầu đời khó quên với người chung trường lớp. Đó là lý do bài hát dễ dàng được đón nhận, trở thành một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng suốt gần 60 năm qua.
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác khoảng 20 ca khúc về tuổi học trò. Ông cho biết rằng lúc mới bắt đầu con đường sáng tác, ông rất hoang mang không biết nên viết về chủ đề gì. Rồi ông chợt nhớ về tuổi học trò, quãng thời gian mộng mơ, đầy kỷ niệm và luôn đau đáu bởi vì “Tôi học hành không tới nơi tới chốn nên không thôi hoài niệm, nuối tiếc về nó”.
Có một điều có lẽ ít người để ý đến, đó là trong tờ nhạc xuất bản năm 1966, bài này được ký tên là Thanh Sơn – Lê Dinh. Nhạc sĩ Lê Dinh cho biết khi đó ông làm việc ở đài phát thanh, và một hôm thấy nhạc sĩ Thanh Sơn mang đến đưa ông một ca khúc mang tên Nỗi Buồn Hoa Phượng để nhờ góp ý. Ông chỉ chỉnh sửa đôi chút không đáng kể, và hầu như toàn bộ nhạc và lời đó đều là tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Sơn, nhưng khi phát hành, vì tôn trọng bậc đàn anh nên nhạc sĩ Thanh Sơn vẫn để tên chung là Thanh Sơn – Lê Dinh.
Cũng có ít người biết rằng vào năm 1990, nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết thêm lời 2 cho Nỗi Buồn Hoa Phượng. Nhưng đó chỉ là lời hát mà ông viết cho riêng lòng mình, tặng riêng cho cô bạn có cái tên Hoa Phượng mà ông chưa có dịp gặp lại chứ không công bố rộng rãi.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn