Trang chủ
Dòng nhạc “Nghệ thuật” (art song) của nhạc sĩ Cung Tiến và những ca khúc ít được biết đến
Trong cùng năm 1953, khi mới 15 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến cho ra đời hai nhạc phẩm nổi tiếng là Hoài Cảm và Thu Vàng, trở thành những ca khúc trữ tình bất hủ suốt 70 năm qua. Năm 18 tuổi, ông viết tiếp Hương Xưa, cũng lại là một tuyệt tác của tân nhạc.
Nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến, trước tiên người ta thường nhắc đến 3 ca khúc Hoài Cảm, Thu Vàng, và Hương Xưa. Tuy nhiên thời gian sau này khi nhắc đến những tác phẩm của mình, nhạc sĩ Cung Tiến thường cho rằng những bài hát đầu tay của ông (là Hoài Cảm, Thu Vàng) được sáng tác vào thời tuổi còn non nớt, là những bài “nhạc phổ thông”, không có nhiều tính nghệ thuật.
Thực tế là càng về sau, nhạc của Cung Tiến càng rõ màu sắc của học thuật chứ không còn là nhạc trữ tình lãng mạn như đại đa số các nhạc sĩ cùng thời kỳ.
danh ca Anh Ngọc hát Mắt Biếc trước 1975
Những ca khúc sau đó, ngoại trừ Mắt Biếc là tự viết nhạc lẫn lời, thì hầu hết những tác phẩm của Cung Tiến đều là phổ thơ, tiêu biểu nhất trong thời kỳ này là Nguyệt Cầm (phổ thơ Xuân Diệu) và Lệ Đá Xanh (phổ thơ Thanh Tâm Tuyền).
danh ca Duy Trác hát Nguyệt Cầm trước 1975
danh ca Thái Thanh hát Nguyệt Cầm trước 1975
danh ca Khánh Ly hát Lệ Đá Xanh trước 1975
Một số ca khúc phổ thơ khác của nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác trước 1975:
Kim Tước hát Đêm (Cung Tiến phổ thơ Thanh Tâm Tuyền)
Lệ Thu hát Đôi Bờ (Cung Tiến phổ thơ Quang Dũng)
Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, nhạc sĩ Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney.
Cũng từ thời gian này trở về sau, những sáng tác của nhạc sĩ Cung Tiến có sự đổi khác, mà ông gọi là chuyển từ “popupar song” qua “art song”, không sáng tác nhạc phổ thông nữa mà theo đuổi nhạc nghệ thuật, kén khán giả hơn rất nhiều. Lúc sinh thời ông nói về sự thay đổi này như sau:
“Hồi nhỏ học trung học thì tôi chỉ biết âm nhạc tôi viết là “popular song”, tức là những ca khúc phổ biến, phổ thông. Trong âm nhạc có nhiều khía cạnh, nhiều thứ, nhiều những trật tự mình phải theo, như hòa âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm…, mà hồi đó ở Việt Nam tôi chưa được học.
Lúc học xong trung học, năm 1956, tôi được học bổng sang Úc học về kinh tế. Trong thời giờ rảnh, tôi đi học thêm âm nhạc ở Nhạc Viện Sydney, từ đó mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc.
Từ đó trở đi, tôi rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song”, tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn guitar hoặc một ban nhạc.”
Ngoài ra nhạc sĩ cũng giải thích về thể loại nhạc nghệ thuật mà ông theo đuổi:
Ca khúc phổ thông (popular music) thường thường người ta viết giai điệu chứ không có hòa âm. Như hồi nhỏ, tôi viết một giai điệu có lời, nhưng mà không có hòa âm; người trình diễn đệm đàn theo lối nào cũng được, tùy tiện. Ca khúc nghệ thuật là ca khúc dùng bản văn một bài thơ có phẩm chất cao để viết nên phần giai điệu, xong rồi phải có phần hòa âm để làm bối cảnh cho ca khúc đó. Ca khúc cũng như một bức tranh, đằng trước là hình ảnh, là tiền cảnh, còn đằng sau là bối cảnh, như mây, nước, hoặc cảnh nọ, cảnh kia; cái đó chính là hòa âm hay là phối khí trong âm nhạc. Sau một thời gian sáng tác ca khúc phổ thông, tôi được trau giồi về âm nhạc, và bắt đầu phổ nhạc vào những bài thơ mà tôi thích.
Những ca khúc phổ biến nhất của nhạc sĩ Cung Tiến là được sáng tác trong thập niên 1950-1960. Tuy nhiên thực tế là tại hải ngoại ông vẫn không ngừng sáng tác.
Quỳnh Giao hát Hoàng Hạc Lâu – Cung Tiến sáng tác 1978 (thơ Thôi Hiệu, bản dịch Vũ Hoàng Chương)
Giai đoạn sau của sự nghiệp, kể từ thập niên 1960 trở về sau, nhạc sĩ Cung Tiến tập trung phổ thơ của Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư…
Năm 2008, một ca sĩ xứ Huế nghệ danh là Camille Huyền đã được nhạc sĩ Cung Tiến tin tưởng trao gửi để thực hiện album những ca khúc mà nhạc sĩ Cung Tiến gọi là Art songs. Vì đây là những ca khúc có phần “trúc trắc” (theo lời ca sĩ Quỳnh Giao) nên nó vừa khó để thể hiện, vừa khó để khán giả đại chúng có thể cảm thụ.
Những bài “art songs” trong album của Camille Huyền gồm có (xếp theo thời gian sáng tác): bài Hương Xưa năm 1955, Nguyệt Cầm sáng tác năm 1956 (thơ Xuân Diệu), ca khúc Mắt Biếc năm 1966, Thuở Làm Thơ Yêu Em sáng tác năm 1969 (thơ của Trần Dạ Từ), ca khúc Đôi Bờ sáng tác năm 1971 (thơ Quang Dũng), Vết Chim Bay năm 1975 (thơ Phạm Thiên Thư), Kẻ Ở năm 1977 (thơ Quang Dũng), Hoàng Hạc Lâu năm 1978 (phổ từ thơ Thôi Hiệu bản dịch của Vũ Hoàng Chương), Vang Vang Trời Vào Xuân năm 1981 (thơ Thanh Tâm Tuyền), và Khói Hồ Bay năm 1996 phổ thơ Nguyễn Tường Giang.
Camille Huyền hát Art song Cung Tiến
Lúc sinh thời, trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Cung Tiến nói về những bài “art song” của mình:
Riêng đối với tôi, những ca khúc nghệ thuật, nhất là những bài thơ mà tôi phổ nhạc của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ,… đó là những bài thơ tôi đọc và tôi thích. Tự nhiên, mình mường tượng ra phong cảnh âm thanh (soundscape). Một thí dụ rõ ràng nhất trong tập nhạc là bản “Khói Hồ Bay” (trong Tuyển Tập Ca Khúc “Hoàng Hạc Lâu”), thơ của ông Nguyễn Tường Giang, người bạn tôi rất thân. Bài thơ đó có tựa ban đầu là “Thu ở Vermont”. Tôi đọc bài thơ, tôi khoái ngay. Vừa mường tượng ra cái cảnh đi mùa thu ở Vermont, đi trên đường gập ghềnh, nhìn thấy lá rơi, rồi tất cả, cả một chân trời màu vàng hết. Thế rồi, sực nhớ đến một người tình hồi xưa… Trong đầu tôi tưởng tượng ra tất cả những cảnh đó. Tôi dùng bài thơ đó để tôi lồng vào một giai điệu. Thế nhưng, cái đó chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn là phần piano dùng làm bối cảnh, để tả lại hình ảnh chập chùng đồi núi, mà nhà thơ đã đi lên Vermont, trong mùa thu, để ngắm lá thu, nhớ đến tình nhân.
…
Như bài “Thu Vàng” của tôi ngày xưa, chẳng hạn, thì nó có tính cách phổ thông, dễ nghe, nhưng không có nghệ thuật mấy. Nhịp tiết trong bài “Khói Hồ Bay” thay đổi tùy theo tình cảm của người làm thơ, cũng như cảnh vật bên ngoài.
Vào năm 1987, nhạc sĩ Cung Tiến soạn Hợp tấu khúc Chinh Phụ Ngâm (cảm tác từ tác phẩm của Đoàn Thị Điểm – Đặng Trần Côn), được dàn nhạc San Jose trình bày đêm 27/3/1988. Nhạc sĩ cho biết: “Không phải tôi phổ nhạc cho thơ Chinh Phụ Ngâm mà dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc ba phần cho dàn nhạc đại hòa tấu”. Có thể nghe Hợp tấu khúc này sau đây.
Hợp tấu khúc Chinh Phụ Ngâm (1988)
Trong đêm nhạc 27/8/1988, các giọng hát Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước trình diễn các ca khúc “art song”. Đáng chú ý là Liên ca khúc Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, dưới tên Trần Kha, sau đó là các ca khúc Nguyệt Cầm, Hoàng Hạc Lâu, Vết Chim Bay, Bản Tango Cuối, mời các bạn nghe các bản này sau đây:
Quỳnh Giao – Mai Hương – Kim Tước hát các bản art songs
Ngoài sáng tác nhạc, không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Theo tác giả Tuấn Khanh cho biết, nhạc sĩ Cung Tiến có thời gian cộng tác chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969).
Sau đây, mời các bạn đọc lại bài thơ của nhạc sĩ Cung Tiến viết năm 20 tuổi, tên là Đời Sống, với bút danh Thạch Chương, đăng trên Sáng Tạo năm 1958.
Không, hạt lúa không thèm thuồng cuộc sống
và côn trùng không đòi muốn sinh thêm
Những hành tinh không đòi đủ ngày đêm
và vũ trụ không đòi thêm rộng rãi
Nhưng tôi muốn, tôi còn đòi, sống mãi
Tôi đòi yêu, tôi còn muốn được yêu
Các anh ơi, không khí phí bao nhiêu
cho tôi thở, xin cho cùng thở với
Và mặt trời, ôi bảy màu chói lọi
và chim muông, ôi giọng hót thiên thần
và lá, hoa, và gió, với mùa xuân
Tôi thèm sống, trời ơi tôi muốn sống
Tôi muốn được nghe xa và nhìn rộng
đủ bốn chiều. Môi đòi cảm làn da
Tim đòi yêu và hơi thở giao thoa
Tôi van lạy: xin cho tôi có mặt
Tôi không thuộc một phương trình đơn nhất
một con số không tên
Và sự tôi còn hay mất
có giá trị hơn sự mất hay còn một hạt lúa
Bởi tự nó, nó không đòi có nữa
nó không đòi chọn lựa
Tôi không chối cây nhỏ tự vươn ra ngoài ánh sáng
và loài vật cần được sống, cần được còn
và nam châm cần thèm kim khí
hạt lúa cần nảy mầm, cần huỷ thể
Nhưng chúng không biết chúng có mặt
và không đòi thôi có mặt
Chúng là những hàm số ít biến thiên
và không ngoài địa hạt cần và đủ
Bánh mì, ánh sáng, không khí cho tôi
thảy đều cần nhưng không bao giờ đủ
Bởi tôi biết yêu, biết ghét, thèm giận, thèm hờn
và chính tôi còn biết sự tôi còn
Trả cho tôi quyền sống của con người
một mảnh sống toàn diện dưới mặt trời
Bởi quyền có mặt đã công nhận từ non hai thế kỷ
là những quyền được, muốn, hay không làm, cảm và nghĩ
Tôi đòi một khí hậu thiên nhiên
để dễ bề trưởng thành hồn nhiên
Và tôi nhất định từ chối
những công thức, những phương trình giả dối
Tôi đòi có mặt
Tôi đòi được còn. Tôi đòi quyền sống
và linh hồn tôi đòi giải phóng.
Sáng Tạo số 21 tháng 6/1958
Đông Kha (nhacxua.vn)