Trang chủ
Đôi nét về danh ca Ánh Tuyết thập niên 1950 – Giọng hát và nhan sắc làm say lòng người
Nếu nhắc đến ca sĩ Ánh Tuyết, người ta thường nghĩ đến ca sĩ Ánh Tuyết có giọng hát thánh thót nổi tiếng với những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn từ những năm 1990. Tuy nhiên từ gần 40 năm trước đó, có một danh ca Ánh Tuyết khác đã được nhà văn Hồ Trường An mô tả là “rung ngời ánh sáng, ngát lịm âm ba vang xa”.
danh ca Ánh Tuyết hát Suối Mơ
Ánh Tuyết là một phụ nữ Hải Phòng, và nhan sắc của những người con gái đất cảng đã nổi tiếng suốt cả thế kỷ qua, nên dễ nhận thấy qua tấm hình dưới đây, đó là Ánh Tuyết có một vẻ đẹp thật sắc sảo.
Bà được mô tả như sau:
“Nàng bước lên sân khấu phòng trà rực rỡ, giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thuê hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyết xen kim tuyến, lại thêm lối ăn mặc trau chuốt, yêu kiều, nét mặt duyên dáng làm xao xuyến bao nhiêu trái tim những tao nhân mặc khách”
Ánh Tuyết hát Trăng Sáng Vườn Chè
Ca sĩ Ánh Tuyết tên thật là Hoàng Bạch Tuyết, sinh năm 1935 tại Hải Phòng, có năng khiếu ca hát từ nhỏ. Một người chú của Ánh Tuyết là ông Năm Phát, trưởng ban Lửa Hồng, đã phát hiện ta tài năng của cô cháu của vợ mình, nên đã luyện giọng và đưa Ánh Tuyết vào ban Lửa Hồng, rồi hát trên đài phát thanh Hải Phòng.
Năm 1954, Ánh Tuyết di cư vào Sài Gòn, xuất hiện trong các đại nhạc hội và trên đài phát thanh, sau đó cộng tác với hầu hết các phòng trà, vũ trường nổi tiếng cùng các ban nhạc Hoàng Thi Thơ, Xuân Lôi, Hoàng Trọng, Võ Đức Tuyết.
bài Tôi Yêu qua giọng hát 2 nữ danh ca: Ánh Tuyết – Thái Hằng
Năm 1959, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp ở Sài Gòn, Ánh Tuyết lấy chồng là ông Tôn Thất Tu, một sĩ quan thời đó, rồi chuyển ra Huế sinh sống, bỏ sau lưng nghiệp hát trong niềm nuối tiếng của khán giả hâm mộ, những người yêu mến cả giọng hát lẫn nhan sắc của bà.
Ánh Tuyết hát Ánh Đèn Màu
Tuy nhiên sau đó cuộc hôn nhân đổ vỡ, Ánh Tuyết trở lại Sài Gòn, trở lại với sân khấu với Ánh Đèn Màu – tên ca khúc đã gắn liền với Ánh Tuyết thời gian đó. Ở phòng trà Bồng Lai, hàng đêm Ánh Tuyết đứng trên sân khấu, từ giữa thập niên 1960, bên dưới có một chàng sĩ quan trẻ điển trai người Mỹ luôn chăm chú lắng nghe cùng vưới một nụ hồng trắng dành cho nữ ca sĩ khả ái.
Hàng bao nhiêu đêm như vậy, dù chàng có mặt hoặc đang công tác ở miền biên địa xa xôi nào đó, bằng một cách nào đó, Ánh Tuyết vẫn nhận được một nụ hồng trắng. Cho đến năm 1967, Ánh Tuyết gật đầu trước lời cầu hôn của chàng sĩ quan kia và theo chồng sang Mỹ, chính thức vĩnh viễn rời bỏ ánh đèn sân khấu của Sài Gòn.
Danh ca Ánh Tuyết đã vĩnh viễn rời xa vào ngày 11/7/2017, hưởng thọ 82 tuổi.
Ánh Tuyết hát Giấc Mơ Hồi Hương
Nhà văn Mai Thảo viết về Ánh Tuyết:
“Suốt một thời kỳ, sinh hoạt phù phiếm của Saigon ban đêm đã òa vỡ cái tiếng cười ròn rã che tay nửa miệng của Ánh Tuyết, cái tiếng ngân cao vút của Ánh Tuyết, tiếng vỗ tay rào rào của đám đông khán thính giả trẻ tuổi trước những bài Trăng Sáng Vườn Chè, Mưa Rơi, Giấc Mơ Hồi Hương qua lối hát phóng túng, nồng nàn của Ánh Tuyết”.
Nhà văn Hồ Trường An nói về Ánh Tuyết:
“Trong các hàng ngũ nữ ca sĩ Tân nhạc từ cổ chí kim chỉ có Bích Thủy, Ánh Tuyết, Thùy Nhiên và Quỳnh Giao là có giọng kim. Nhưng giọng Ánh Tuyết ngọt ngào và lảnh lót nhất, tuy nhiên không điêu luyện bằng giọng của Bích Thủy và giọng của Quỳnh Giao sau này. Vả lại chuỗi ngân của chị bén nhọn như răng cưa. Lạ một điều, giọng chị một khi cất cánh phụng hoàng bay vút lên cao tới nốt sol trên thì tiếng hát vẫn ngọt lại còn vạm vỡ hơn, chuỗi ngân mướt hơn và rung từng lượn nhỏ mềm mại hơn hơn. Đây là giọng rung ngời ánh sáng, ngát lịm âm ba vang xa. Một giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thêu hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyến xen kim tuyến.
Khi được phơi trên sào thì gấm bay phất phơ trong nắng đẹp gió hiền, làm sóng sánh ánh phản chiếu chói hồng, làm nhấp nháy nét thêu trên mặt nguyệt. Cho nên Ánh Tuyết lựa những bản có chỗ lên cao để hát như ‘Mộng Đẹp Ngày Xanh’ của Hoàng Trọng, ‘Tiếng Dương Cầm’ và ‘Mưa Trên Phím Ngà’ của Văn Phụng, ‘Em Gắng Chờ’ của Huỳnh Anh. Riêng bản ‘Màu Tím Hoa Sim’ của Trịnh Hưng do chị hát được thu vào dĩa Việt Thanh, cũng có chỗ lên khá cao. Còn bản ‘Tình Cố Đô’ của Lam Phương được chị hát bằng giọng ngậm ngùi và cách ngân dài ở câu trên theo lối ngân tự do, theo tùy ý để rồi chuyền qua câu sau mà không cần ngắt hơi. Chưa ai diễn tả bài ‘Tình Cố Đô’ của Lam Phương tuyệt vời bằng Ánh Tuyết.”
Mời các bạn nghe 1 số bản thu âm tiêu biểu khác của danh ca Ánh Tuyết:
Ngày Hạnh Phúc (Lam Phương)
Tà Áo Cưới (Hoàng Thi Thơ)
Hoài Thu (Văn Trí)
Một số hình ảnh hiếm danh ca Ánh Tuyết trong bộ sưu tập của Leminh Saigon:
nhacxua.vn biên soạn