Trang chủ
Đôi nét về ca sĩ Trúc Ly – Giọng hát gắn liền với các ca khúc Nếu Xuân Này Vắng Anh, Trả Lại Thời Gian…
Trong số những nữ ca sĩ nổi tiếng làng nhạc vàng Việt Nam, Trúc Ly không phải là một ca sĩ quá nổi bật, tuy nhiên có lẽ nhiều khán giả vẫn còn nhớ giọng hát ngọt ngào của cô trong các bài hát được thu thanh trong dĩa nhựa từ cuối thập niên 1960. Có rất nhiều bài hát nổi tiếng được các nhạc sĩ tin tưởng giao cho tiếng hát Trúc Ly hát lần đầu và đã trở thành bất tử, như là Nếu Xuân Này Vắng Anh, Họp Mặt Lần Cuối, Chuyện Ngày Cuối Năm, Trả Lại Thời Gian, Thư Gửi Người Miền Xa, Ba Tháng Quân Trường,…
Ca sĩ Trúc Ly vốn là một xướng ngôn viên của đài phát thanh từ năm mới 16 tuổi, sau đó có cơ duyên trở thành ca sĩ, nhưng cô tham gia làng văn nghệ trong một thời gian rất ngắn rồi vắng bóng trong suốt nhiều năm, nên tên tuổi của cô không thực sự nổi tiếng và không được nhiều người biết đến rộng rãi.
Ca sĩ Trúc Ly tên thật là Phạm Lệ Hiền, sinh quán ở Sầm Giang – Mỹ Tho, sống tại đây đến khoảng năm 13-14 tuổi thì chuyển lên Đà Lạt ở nhà của dì-dượng và tiếp tục theo học trung học. Đến năm 16 tuổi, Trúc Ly tham gia thi tuyển vào làm xướng ngôn viên ở đài phát thanh Đà Lạt, và được đặc cách nhận vào làm dù chưa đủ tuổi.
Không phụ lòng tin tưởng của ban quản đốc đài phát thanh Đà Lạt, dù còn rất nhỏ nhưng cô rất được việc và được quản đốc đài phát thanh đánh giá cao. Ông quản đốc cho rằng Trúc Ly sẽ còn phát huy tối đa khả năng của mình nếu được làm ở một môi trường tốt hơn, nên đã viết giấy giới thiệu để cô được đài phát thanh Sài Gòn nhận vào làm. Khi đó Trúc Ly chỉ mới hơn 16 tuổi, nên đã làm lại giấy tờ thành 18 tuổi để đủ tuổi trở thành nhân viên chính thức.
Tại Sài Gòn, Trúc Ly làm việc cho cả 2 đài phát thanh lớn nhất là Đài vô tuyến Việt Nam và đài phát thanh Quân Đội. Tại đài Quân Đội, cô được tham gia trong chương trình phát thanh Dạ Lan nổi tiếng, với vai trò là đọc các lá thư tiền tuyến phụ cho người xướng ngôn viên chính mang tên hiệu là Dạ Lan. Lúc tham gia chương trình này, Trúc Ly được gọi bằng cái tên Bạch Lan, còn khi là xướng ngôn viên bên đài vô tuyến Việt Nam, cô mang tên hiệu là Mai Trang.
Trúc Ly tình cờ trở thành một ca sĩ khi cô đang đi làm ở đài phát thanh quân đội. Một hôm chương trình nhạc của Phạm Mạnh Cương cùng ban Tiếng Hát Hậu Phương gặp sự cố vì ca sĩ không đến được, nên Trúc Ly được ca sĩ Nhật Trường tập dượt cấp kỳ để vào hát thế ca khúc Nếu Anh Còn Nhớ. Đó là lần đầu tiên giọng hát của Trúc Ly đến được với công chúng, khi cô vẫn dùng nghệ danh Mai Trang.
Nhờ sự giới thiệu của đài phát thanh, sau đó Trúc Ly được hãng dĩa Sóng Nhạc mời thu âm. Tại đây cô được làm việc với nhóm nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng, được nhạc sĩ Anh Bằng hướng dẫn thêm về nhạc lý, và cũng được nhạc sĩ này đặt cho nghệ danh đi hát là Trúc Ly.
Trước đó không lâu, nhạc sĩ Anh Bằng đã viết một số bài hát ký tên Anh Bằng – Trúc Ly, đó là bài Nhật Ký Hai Đứa Mình, Áo Đẹp Nàng Dâu, vì vậy ông đã lấy tên này để đặt cho cô ca sĩ mới. Tuy nhiên thời điểm đó cũng đã có một ca sĩ khác mang tên Trúc Ly, là vợ của soạn giả cải lương Hương Sắc. Thời điểm đó, nếu đặt nghệ danh trùng nhau là một điều cấm kỵ, nên nhạc sĩ Anh Bằng đã gặp ông Hương Sắc để thỏa thuận và được chấp nhận sử dụng cái tên Trúc Ly. Thời gian sau này, nhiều người đã bị nhầm lẫn, tưởng Trúc Ly ca sĩ kiêm xướng ngôn viên này là vợ của ông Hương Sắc, những thực ra thì chỉ là trùng tên với nhau mà thôi.
Bài hát đầu tiên làm nên tên tuổi của Trúc Ly là Nếu Xuân Này Vắng Anh, được cô thu cho hãng dĩa Việt Nam vào cuối năm 1967 và phát hành vào dịp Tết năm 1968. Vì đó là một trong những lần đầu tiên mà Trúc Ly thu đĩa, cô lại chưa từng học nhạc, không biết về nhạc lý nên nhạc sĩ Bảo Thu phải tập cho cô hát bài này rất lâu. Mặc dù vậy, sau khi thu âm và dĩa nhạc được phát hành thì bài hát Nếu Xuân Này Vắng Anh với giọng hát Trúc Ly rất được yêu thích, cho đến nay bài hát này cũng trở thành 1 trong những bài nhạc xuân quen thuộc nhất suốt hơn 50 năm qua.
Trúc Ly hát Nếu Xuân Này Vắng Anh năm 1967
Nhờ sự thành công ngoài mong đợi với ca khúc này nên sau đó Trúc Ly được các nhạc sĩ tin tưởng đưa cho nhiều bài mới sáng tác.
Mặc dù vậy, thời gian này Trúc Ly vẫn chưa biết nhạc lý, nên hãng dĩa đã nhờ nhạc sĩ Hoài Nam hướng dẫn cho Trúc Ly, và đó cũng là người thầy chính thức đầu tiên của cô. Trúc Ly cũng là người đầu tiên thu âm ca khúc Ba Tháng Quân Trường của nhạc sĩ Hoài Nam.
Trúc Ly hát Ba Tháng Quân Trường trước 1975
Một trong những bài hát nổi tiếng mà Trúc Ly được các nhạc sĩ giao cho hát đầu tiên là Viết Thư Tình của nhạc sĩ Trúc Phương. Bài hát này sau đó được chính nhạc sĩ đổi tên lại thành Thư Gửi Người Miền Xa theo đề nghị của đài phát thanh. Những ca khúc khác cũng được Trúc Ly hát lần đầu là Trả Lại Thời Gian, Đọc Tin Trên Báo (nhạc sĩ Thanh Sơn), Họp Mặt Lần Cuối, Chuyện Ngày Cuối Năm, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân (Song Ngọc)…
Trong khi thu âm trong dĩa nhạc, ca sĩ Trúc Ly vẫn bận rộn với công việc xướng ngôn viên ở các đài phát thanh, vì vậy không như nhiều đồng nghiệp khác, cô không có thời gian đi hát phòng trà hay vũ trường, chỉ có khoảng 1-2 lần hát ở rạp Thống Nhất khi hợp tác với nhóm Lê Minh Bằng.
Khoảng đầu năm 1970, Trúc Ly ngừng đi làm và đi hát sau khi lấy chồng và sinh con. Cô chỉ trở lại thu âm trong một số chương trình Song Ngọc vào những năm 1973-1974, nhưng cũng rất hạn chế.
Trúc Ly hát Trả Lại Thời Gian trước 1975
Gia đình Trúc Ly di tản ngay trong đợt đầu tiên tháng 4 năm 1975 và định cư ở thành phố Portland, bang Oregon. Tại Mỹ, ca sĩ Trúc Ly làm việc về ngành điện tử, có đi hát một thời gian vào thập niên 1980, thu âm cho nhạc sĩ Anh Bằng trong chương trình băng nhạc Dạ Lan, nhưng chỉ được một thời gian, rồi sau đó hầu như cô không còn xuất hiện trong các sinh hoạt văn nghệ nào nữa cho đến ngày nay.
Trúc Ly nói rằng bản tính cô thích an phận, thích cuộc sống bình yên để chăm sóc gia đình, nên cô thích cuộc sống và khí hậu của Portland rất giống với Đà Lạt đã gắn bó với cô thuở thiếu thời.
Bài: Đông Kha
(Ghi theo lời kể của ca sĩ Trúc Ly trên Jimmy TV)