Trang chủ
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Băng Châu – Người đẹp Tây đô có gương mặt khả ái
Vào đầu thập niên 1970, làng văn nghệ Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt rất trẻ, vẫn còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi tắn, nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ Băng Châu, đồng thời cũng là diễn viên điện ảnh và kịch nghệ nổi tiếng.
Ca sĩ Băng Châu tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh ngày 1/8/1950. Nghệ danh Băng Châu được chính cô đặt khi mới chập chững vào nghề. Cô vốn học ban văn chương nên muốn đặt một cái tên thật ý nghĩa, và theo cô cho biết, Băng Châu có nghĩa là một “viên ngọc lạnh”.
Hai bên nội ngoại của ca sĩ Băng Châu đều là người gốc ở Trà Ôn thuộc Cần Thơ, năm 1945 cha mẹ cô chạy loạn đến Bà Rịa và sinh 4 người con tại đây. Gia đình Băng Châu có đến 10 anh chị em, trong đó cô là chị gái đầu, bên trên còn có 2 anh trai. Đến năm cô bé Xuân Mai được 5 tuổi thì cả nhà chuyển về lại Trà Ôn để sinh sống, lúc này thuộc tỉnh Phong Dinh. Đến năm 11 tuổi (1961), ca sĩ Băng Châu được đưa lên “Tây đô” – Cần Thơ để tiếp tục học tập.
Từ nhỏ Băng Châu đã rất thích ca hát, và theo học đàn (môn năng khiếu) ở trường từ khi học đệ thất. Sau đó ở cô tham gia những chương trình “người em gái hậu phương” và hát cho chiến sĩ nghe, cũng từ đó Băng Châu có may mắn được gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc.
Băng Châu trước 1975
Thời gian này, các đoàn văn nghệ cũng thường xuyên đến Cần Thơ, như ban Hoa Tình Thương, Biệt đoàn Văn Nghệ Trung Ương… Trong những buổi giao lưu văn nghệ, Băng Châu có cơ duyên được gặp một ca sĩ trong Biệt đoàn văn nghệ là Tuyết Nhung, cũng là vợ của nhạc sĩ Nguyên Thảo. Ca sĩ Tuyết Nhung thấy được tiềm năng của Băng Châu nên đã gợi ý lên Sài Gòn để phát huy được hết khả năng ca hát.
Năm 1969, vì quá đam mê ca hát, Băng Châu bỏ học lên Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp. Ca sĩ Tuyết Nhung đã dẫn cô đến gặp các nhạc sĩ tên tuổi trong Biệt đoàn văn nghệ, trong đó có 3 nhạc sĩ Duy Khánh, Khánh Băng và Châu Kỳ, cũng là 3 nhạc sĩ đầu tiên đã nâng đỡ Băng Châu trong những bước đầu của sự nghiệp.
Người đầu tiên giúp đỡ Băng Châu chính là ca nhạc sĩ Duy Khánh, cũng là người thầy đã nâng đỡ cô rất nhiều. Sau đó gương mặt khả ái của Băng Châu cũng lần đầu được xuất hiện trước khán giả qua chương trình truyền hình Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Châu Kỳ sau khi thu dĩa ca khúc đầu tiên là Nhớ Nhau Hoài, từ đó giọng hát Băng Châu bắt đầu ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.
Băng Châu hát Nhớ Nhau Hoài trước 1975
Nhưng phải đến một thời gian sau, với bài hát Qua Cơn Mê thu trong băng nhạc Trường Sơn của nhạc sĩ Duy Khánh thực hiện, tên tuổi của Băng Châu mới được chắp cánh để trở thành một ngôi sao sáng trong làng nhạc miền Nam vào đầu thập niên 1970. Đã 50 năm qua, tên tuổi của Băng Châu vẫn được người ta nhớ đến nhiều nhất với bài hát này.
Thực ra người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa, sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối, và từ đó Qua Cơn Mê với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng trên khắp miền Nam, được phát gần như suốt cả ngày trên các đài phát thanh ở Sài Gòn. Thời điểm đó đang diễn ra hoà đàm Ba Lê, và bài hát này thể hiện những khát vọng lớn lao về hoà bình, đúng với tâm trạng chung của hầu hết những quân – dân miền Nam lúc đó.
Băng Châu hát Qua Cơn Mê trước 1975
Giữa Băng Châu và Duy Khánh không đơn thuần là thầy trò mà còn nảy sinh tình cảm với nhau, ca sĩ Băng Châu thừa nhận rằng nhạc sĩ Duy Khánh đã sáng tác ca khúc Đêm Bơ Vơ để nói về chuyện tình đó. Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Ngân cũng chứng kiến mối tình và sáng tác ca khúc Lời Đắng Cho Cuộc Tình để nói lên tâm trạng của Duy Khánh thời điểm đó.
Nổi tiếng trong làng nhạc Sài Gòn không lâu, Băng Châu nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Sau khi được xuất hiện trên truyền hình trong chương trình Tiếng Thùy Dương, gương mặt xinh xắn và thuần khiết của cô đã nhanh chóng được lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lê Dân, và Băng Châu được đạo diễn mời đóng vai chính Trần Thị Diễm Châu trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Châu Kool của nhà văn Duyên Anh.
Khi đạo diễn Lê Dân tìm dương mặt nữ chính cho phim này, ông đã đi tìm rất nhiều trong các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một người có thể đóng được một nhân vật đa diện, từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời giống như nhân vật Trần Thị Diễm Châu có biệt danh là Châu Kool trong tiểu thuyết.
Sau này, đạo diễn Lê Dân kể lại là Băng Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa, cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.
Bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu ngay lập tức tạo được một dấu ấn lớn đối trong giới trẻ đô thành. Từ thành công đầu tiên với lãnh vực điện ảnh này, Băng Châu được mời xuất hiện trong nhiều phim khác như Vĩnh Biệt Tình Hè, Trường Tôi, Bốn Thủy Thủ Sợ Ma, Năm Vua Hề Về Làng…
Băng Châu cho biết cô rất thích đi du lịch, nhưng vì là con gái nên không có nhiều điền kiện để đi nhiều, chính nhờ đi hát, và đặt biệt là tham gia đóng phim mà cô được đi rất nhiều nơi đúng với niềm mơ ước từ lúc nhỏ của mình.
Sau năm 1975, ca sĩ Băng Châu tiếp tục sinh hoạt âm nhạc, đóng phim, đến tháng 9 năm 1979 thì cô sang Mỹ định cư ở bang Utah, được vài tháng sau thì chuyển về Cali, cộng tác với nhiều trung tâm băng đĩa hải ngoại.
Ngoài ca hát, Băng Châu còn là một MC, xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh được yêu thích ở hải ngoại.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn