Trang chủ
Cuộc đời buồn của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn – Tác giả “Chút Kỷ Niệm Buồn”: Chiều nao anh với em nép bên thềm mưa hai đứa xem…
Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn là em trai của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (tác giả Sao Em Nỡ Quên, Giã Từ, Xót Xa…). Khác với người anh nổi tiếng, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn lận đận nhiều hơn. Ông viết nhạc từ năm 20 tuổi, nhưng đến tận năm 40 tuổi ông mới bắt đầu được biết đến qua một số ca khúc trữ tình, và nổi tiếng nhất là Chút Kỷ Niệm Buồn:
Chiều nao anh với em
Nép bên thềm mưa hai đứa xem
Dù đôi ta mới quen,
Chút kỷ niệm nhưng anh khó quên
Ngồi bên nhau trú mưa,
Biết em về không ai đón đưa
Đường xa trơn lối thưa,
Chúng ta cùng đi chung dưới mưa
Mạnh Đình hát Chút Kỷ Niệm Buồn
Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn đã kể lại hoàn cảnh sáng tác bài hát này trên một tờ báo:
“Năm 1996, trong lúc trú mưa trên đường Nguyễn Tri Phương, tôi vô tình gặp 2 cô cậu sinh viên đứng trú mưa bên cạnh. Cô gái ướt và lạnh, đứng run rẩy nép mình vào chàng trai. Về nhà, tôi cầm bút viết: Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…”
Qua lời kể của nhạc sĩ, chúng ta có thể hình dung được hình ảnh một thiếu nữ bị cơn mưa bất chợt làm cho ướt lạnh, đứng nép sát vào người bạn bên cạnh. Rất có thể đôi người còn rất trẻ, vẫn đang là sinh viên này đã là một đôi tình nhân, hoặc là họ đã cảm mến nhau nhưng tình chưa ngỏ, và đó là khoảnh khắc để họ có cơ hội để cùng lắng nghe nhịp đập của tim nhau. Dù có thể còn e dè, ngại ngùng, nhưng đó là dịp để họ được tận hưởng những cảm giác men tình đầu chỉ có thể trải qua ở lứa tuổi thanh xuân, và cơn mưa ngoài kia mong rằng sẽ còn kéo dài mãi để tưới mát cho đôi tâm hồi đang bồi hồi những cảm xúc khác lạ.
Ở dưới mái hiên nhà ven đường, đông người qua lại, nhưng dường như họ chỉ còn biết có nhau trong khoảnh khắc đó mà thôi.
Với tâm hồn nhạy cảm của một nhạc sĩ, hình ảnh lãng mạn của đôi trẻ đó trở thành nguồn cảm hứng để ông nghĩ ra một câu chuyện tình buồn để sáng tác thành bài hát Chút Kỷ Niệm Buồn:
Rồi từ khi chia tay,
Biết bao lần gió mưa trở lại
Chỉ mình anh nơi đây,
Ngóng trông hoài một bóng hình ai
Chiều mùa thu mưa bay
Buồn này em đâu hay,
Tình nồng lên men cay
Để anh ôm ấp giấc mơ u hoài
Chiều nay không có em,
Gió mưa về nghe thương nhớ thêm
Làm sao anh biết tên?
Chút kỷ niệm sao em nỡ quên
Đuờng xa đâu quá xa,
Cớ sao từ lâu em chẳng qua
Để anh nghe xót xa,
Mối duyên tình của hai chúng ta…
Như Quỳnh hát Chút Kỷ Niệm Buồn
Cuộc đời của tác giả bài hát là Tô Thanh Sơn không có được nhiều may mắn. Ông sinh năm 1948 và sinh sống từ nhỏ ở Đồng Tháp, viết nhạc từ năm 20 tuổi nhưng không được phổ biến. Đến năm 29 ông mới lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề dẫn chương trình cho các tụ điểm ca nhạc, làm trưởng ban nhạc tại nhà hàng Đệ Nhất. Đó là thời gian ông sáng tác nhiều nhất, chủ yếu là để tự hát trên các sân khấu tiệc cưới, tiệc văn nghệ. Thời đó muốn phổ biến ca khúc đến công chúng thì phải mời ca sĩ hát để phát hành CD, nhưng Tô Thanh Sơn không có điều kiện về tài chính để làm việc đó. Vì vậy gần 30 năm sáng tác, ông vẫn là một nhạc sĩ nghèo viết nhạc không ai hát, không ai biết đến.
Năm 1996, ông sáng tác Chút Kỷ Niệm Buồn và tự hát. Một người bạn của ông nghe thấy hay nên mang đi giới thiệu với hãng đĩa, bài hát được thu âm, từ đó cái tên Tô Thanh Sơnmới được nhiều người biết tới. Bài hát đã được nhiều ca sĩ hải ngoại trình bày, đặc biệt là Như Quỳnh, Mạnh Đình, cho đến nay vẫn còn được rất yêu thích.
Nhưng mọi việc chỉ dừng ở đó, bài Chút Kỷ Niệm Buồn đã mang lại cho nhạc sĩ Tô Thanh Sơn có được tên tuổi, nhưng vẫn chưa thể giúp ông thoát nghèo. Vào thời thập niên 2000, không có nhiều người ở trong nước chú ý đến dòng nhạc trữ tình, nên cũng rất ít người quan tâm đến những nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng, truyền thông chưa săn đón họ nhiều như ngày nay. Thời đó, ngay cả những nhạc sĩ nhạc vàng rất nổi tiếng còn sinh sống ở trong nước như Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân… cũng còn phải vật lộn mưu sinh, thì một nhạc sĩ kém tên tuổi hơn như Tô Thanh Sơn phải chịu hoàn cảnh khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Đến những năm gần cuối đời, ở tuổi ngoài 60, Tô Thanh Sơn vẫn không nhà cửa, không gia đình, thậm chí không có giấy tờ tùy thân, phải sống cô đơn, ẩn dật trong phủ thờ dòng họ ở Hồng Ngự – Đồng Tháp cho đến ngày qua đời. Ông ra đi vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 21 tháng 4 năm 2018 vì ngộ độc thực phẩm.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn