Trang chủ
Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ 2 của nền tân nhạc VN. Tuy nhiên, ông chỉ để lại vài tác phẩm, trong đó nổi bật là các ca khúc Chiều vàng và Nỗi lòng…
“Ngón nghề độc chiêu” của Nguyễn Văn Khánh là chơi đàn guitar Hawaienne (Hạ uy cầm). Không biết ông học từ ai, nhưng theo Hoài Nam trong 70 năm tình ca âm nhạc Việt Nam (Đài SBS, Úc, thực hiện) thì trước 1954, ở Hà Nội chỉ có 2 nhạc sĩ chuyên đàn và sáng tác cũng như dạy đàn bằng Hạ uy cầm là William Chấn (thầy của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) và Nguyễn Văn Khánh. Riêng ông Khánh lại đánh đàn bằng tay trái, cho nên “nếu không phải là… thiên tài thì cũng là người có khả năng đặc biệt”. Cùng thời với ông là những nhạc sĩ: Hoàng Dương, Hoàng Trọng, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Tu My, Hùng Lân… góp phần làm nên thời cực thịnh của tân nhạc VN thập niên 1944-1954…
Dạo nền tân nhạc mới thành hình ở nước ta (đầu thập niên 1940), “các chàng nghệ sĩ Tây nhạc” luôn là thần tượng của nhiều cô gái, nhất là ở các chốn thị thành. Ở Hà Nội, Nguyễn Văn Khánh mở lớp dạy Hạ uy cầm và Tây ban cầm ở gần ga Hàng Cỏ (lối đi xuống chợ Khâm Thiên), phía trước nhà có một cái ao, bên kia ao là nhà trọ của các nữ sinh. Những đêm trăng sáng, Khánh đem đàn ra sân chơi, tiếng đàn Hạ uy cầm réo rắt… Phía bên kia ao, đám nữ sinh rủ nhau ra ngồi nghe đàn trông như một đàn cò trắng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh |
Vậy mà ở gần đó, ngay phố Khâm Thiên, có một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết nhưng lại chẳng chút động lòng hoặc tơ tưởng đến “các chàng nghệ sĩ Tây nhạc”, nàng chỉ chăm lo phụ giúp cha mẹ. Cô gái ấy tên Đặng Thị Thuận. Cô gái không màng đến những chàng nghệ sĩ hào hoa kia lại “bị” bà dì của mình mai mối cho Nguyễn Văn Khánh. Lúc đầu, cô Thuận cứ “ứ thèm”, chẳng cần biết Khánh là ai, thậm chí khi nhà trai đem lễ vật đến chạm ngõ, cô cũng chẳng thèm… len lén xem mặt anh chàng kia như những cô gái khác thường làm. Ấy thế nhưng, bà chị dâu của cô lại xăng xái: “Mày không chịu, nhưng cứ để tao xem cái mặt mẹt của nó xem sao!”. Lát sau, bà chị dâu ấy chạy vào bếp, mách: “Tao thấy mặt mũi nó cũng được đấy, Thuận à!”… và được sự “động viên” của những người thân trong gia đình, cô Đặng Thị Thuận chính thức trở thành bà Nguyễn Văn Khánh vào đầu năm 1942. Khi ấy cô 20 tuổi!
Vợ chăm chồng viết nhạc cho người yêu
Cuộc hôn nhân tuy không hình thành từ tình yêu trước đó nhưng không vì thế mà cô Thuận đẹp người, đẹp nết lại quên mất cái “nết” của mình. Cô một mực ân cần chăm lo cho chồng, thậm chí lo cả cho gia đình nhà chồng. Có lẽ cảm được tấm chân tình của vợ nên mấy năm đầu của cuộc hôn nhân này ông Khánh “tu chí”, thường xuyên ở nhà (bởi sau đó là quãng thời gian dài ông đi phiêu bạt giang hồ). Thời gian này, ông cất căn nhà nhỏ, không xa ngôi nhà chính là mấy, vì căn nhà nhỏ ấy nằm lúp xúp bên một gốc đa nên cả nhà và cả chính ông đều gọi một cách thân thương là “cái miếu”. Đó là không gian riêng của ông, nơi ông ngồi để sáng tác các ca khúc riêng tặng… những người phụ nữ khác! (thực ra ca khúc đầu tay của Nguyễn Văn Khánh có tựa là Thu, viết năm 1946 được riêng tặng cho vợ, nhưng vì tặng vợ nên cô Thuận cất làm kỷ niệm, thành ra không phổ biến), còn những Chiều vàng, Nỗi lòng, Nghệ sĩ với cây đàn, Lời thề xưa, Chiều gặp gỡ... (sáng tác từ năm 1951 trở về sau) đều viết cho những phụ nữ khác. Mỗi khi viết xong một ca khúc, ông Khánh thường tự tay mang lên Đài phát thanh Hà Nội rồi tự hát: Yêu ai, yêu cả một đời. Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta. Đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…” (Nỗi lòng). Rồi “…Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng. Tình tràn đầy sầu chung non nước. Hồn em có cùng người chứng minh. Anh bước ra đi luyến tiếc hoài. Đời còn có em nay là thôi… (Chiều vàng).
Bà Thuận – vợ ông Khánh – Ảnh: tư liệu |
Chuyện ông viết ca khúc vì những người phụ nữ khác là có thật (trừ bài Thu). Người nhà ông kể rằng bài Nghệ sĩ và cây đàn được ông viết sau chuyến đi Bắc Ninh thăm người yêu cũ nhưng không gặp. Lạ một điều, mỗi lần ông ngồi viết nhạc trong “miếu” thì lúc nào bà Thuận cũng ngồi phía sau cầm quạt, quạt cho ông. Bà không biết tí gì về âm nhạc, cũng chẳng quan tâm ông viết nhạc cho ai ngoài việc tôn trọng chồng và tôn trọng nghề nghiệp của chồng…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh mất ngày 20.8.1976, bà Thuận tính, vậy là bà làm vợ ông những 34 năm, nhưng khoảng thời gian ông ở cạnh bà chỉ bằng một phần ba con số đó. Hai phần ba thời gian còn lại ông đuổi theo những cuộc tình khác, và người khiến cho ông “bận bịu” nhất là Lê Thị Sâm – bà này đẻ cho ông Khánh những 7 đứa con. Tuy thế, vào năm 1973 bà Sâm cũng quyết liệt xua đuổi “bố của bầy trẻ” ra khỏi nhà khi ông bị chứng viêm quai hàm – giai đoạn cuối. Bà Thuận lại mở rộng vòng tay đón “chàng nghệ sĩ Tây nhạc… đa tình” trở về mái nhà xưa lo thuốc thang. Chẳng những thế, bố chồng của bà lại năn nỉ cô con dâu “đẹp người, đẹp nết” đưa 2 đứa con quặt quẹo của chồng bà với bà Sâm (5 người con trước của họ mất vì bệnh) về nuôi “làm phúc”. Ai cũng khen bà nhân hậu, cao thượng, bà chỉ cười, khiêm tốn: “Tôi chỉ được cái nuôi con nhỏ “mát tay”!”. Bà Sâm mất năm 1979, không thấy được hai người con của mình giờ đây đã được nuôi dạy nên người…
Hà Đình Nguyên