Trang chủ
Câu chuyện về 2 ca khúc “Thói Đời” (Trúc Phương) và “Trong Tầm Mắt Đời” (Tú Nhi) – Trong thói đời cười ra nước mắt…
Đầu thập niên 1960, ca sĩ Chế Linh bắt đầu nổi tiếng với dòng nhạc vàng cùng những ca khúc ông tự viết với bút danh là Tú Nhi. Ngoài ra Chế Linh còn chơi thân với nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương, nhờ những nhạc sĩ này viết những ca khúc phù hợp với chất giọng nức nở của mình, trong đó có bài Thói Đời:
Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người
Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.
Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời
Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi tay khi rũ cơn mê
Để chua xót trên bước về.
Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tư in đậm đường hằn
Mình còn ai đâu để vui
Khi trót sa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.
Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt
Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ.
Đến nay, bài hát này vẫn được rất nhiều người yêu thích, có lẽ nó phản ánh trung thực tình đời và tình người trong xã hội cả xưa và nay. Thời nào thì cũng đều có: “giàu sang quên kẻ tâm giao…”
Chế Linh hát Thói Đời
Trong một bài viết trên mạng, nói hoàn cảnh sáng tác của Thói Đời như sau: Khi Trúc Phương chia tay vợ, người ta thường thấy ông ở trong quán rượu trên đường Tô Hiến Thành gần nhà của ông. Trong hoàn cảnh buồn như vậy nên nhạc sĩ Trúc Phương đã mượn rượu để giải sầu.
Tuy nhiên thông tin này bị người con của Trúc Phương cho biết là sai sự thật, vì nhạc sĩ này không bao giờ uống rượu. Việc này cũng được ca sĩ Chế Linh xác nhận. Ông là người thường xuyên gặp gỡ Trúc Phương thời đó, và cho biết là Trúc Phương chỉ hút thuốc và uống coca chứ không uống rượu bao giờ.
Sau khi nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác Thói Đời với những nỗi niềm cay đắng về cuộc đời, về nhân tình thế thái, Chế Linh đã đồng cảm với người anh, người bạn đồng nghiệp và sáng tác một ca khúc có nội dung tương đồng và mang tính tiếp nối là Trong Tầm Mắt Đời để tặng cho Trúc Phương. Chế Linh nói rằng ông đã mượn tâm trạng của Trúc Phương để viết thành ca khúc này:
Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa.
Bạn thân ngoảnh ngơ như người xa lạ.
Người mình bao năm chăn gối.
Bây giờ còn dối gian nhau.
Mấy ai trong đời hiểu thấu.
Chế Linh hát Trong Tầm Mắt Đời
Khi so sánh lại lời của 2 bài hát Thói Đời và Trong Tầm Mắt Đời, chúng ta có thể thấy sự tương đồng với nhau:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao (Thói Đời)
và
Bạn thân ngoảnh ngơ như người xa lạ… (Trong Tầm Mắt Đời)
Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời… (Thói Đời)
và
Người mình bao năm chăn gối.
Bây giờ còn dối gian nhau. (Trong Tầm Mắt Đời)
Rượu trần ai gội niềm cay đắng (Thói Đời)
và
Đọa đày trong cơn men đắng (Trong Tầm Mắt Đời)
Chế Linh kể lại, khi ông sáng tác xong Trong Tầm Mắt Đời thì lập tức đến gặp Trúc Phương để hát cho bạn nghe. Trúc Phương nghe xong thấy ngậm ngùi và rơi nước mắt. Trúc Phương là một nhạc sĩ tài hoa, nhưng nhạc của ông sao lại quá buồn, buồn như cuộc đời của ông kể từ thuở đó cho đến tận cuối đời. Sau này không biết đã bao nhiêu lần ông đã phải chứng kiến thêm cái “thói đời cười ra nước mắt” mà ông đã viết. Cho dù nhạc của ông được rất nhiều người hát và yêu thích, nhưng lúc tuổi về chiều, ông vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Trước thời điểm Trúc Phương qua đời (năm 1995), nhạc của Trúc Phương rất thịnh hành ở hải ngoại, nhưng tiền tác quyền ông nhận được không đáng là bao. Ngoại trừ ca sĩ Thanh Thúy và 1 số ít trung tâm ở hải ngoại là có gửi tiền về cho ông, còn lại hàng chục trung tâm lớn nhỏ khác đều sử dụng “chùa” nhạc của Trúc Phương. Phải chăng đó cũng là một thời đời mà ông đã đoán trước?
Cho đến nay, Thói Đời và Trong Tầm Mắt Đời đều trở thành những ca khúc vượt thời gian, có sức sống mạnh mẽ sau hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là 2 ca khúc hiếm hoi viết về thói đời cay đắng mà có lẽ ai cũng từng trải qua hoặc là được chứng kiến. Đó là sự giả dối, hai mặt của lòng người. Thói đạo đức giả tung hoành và nhiều khi người ta lại chấp nhận nó như một sự thỏa hiệp và cho rằng “ai chả vậy”. Sự chiếm lĩnh của thói giả tạo đó khiến cho sự thật thà bị tổn thương và lòng tốt, sự trung thành, công bằng, phải khó khăn để tồn tại được.
Con đường đời không bao giờ là bằng phẳng, những thói đời được nhắc đến trong 2 bài hát là những trở ngại thường tình mà người ta phải vượt qua trên hành trình đi hết kiếp người.
Đông Kha
(Bản quyền bài viết của nhacxua.vn)