Trang chủ
Cảm nhận âm nhạc: Ca khúc “Căn Nhà Ngoại Ô” (nhạc sĩ Anh Bằng)
Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác ca khúc Căn Nhà Ngoại Ô năm 1966, lúc ông đã 40 tuổi và yên bề gia thất. Bài Căn Nhà Ngoại Ô cũng giống như nhiều bài hát khác của Anh Bằng, không phải là câu chuyện có thật của đời ông. Đó có thể chỉ là câu chuyện mà tác giả tưởng tượng thành, nhưng lại là hoàn cảnh có thực của cả một thế hệ tuổi trẻ năm xưa: Gặp nhau, yêu nhau, rồi lại xa nhau vì hoàn cảnh đất nước.
Khác với các câu chuyện thường thấy về một người con gái hậu phương thương nhớ chờ chồng (hoặc người yêu) nơi tiền phương, chuyện tình trong Căn Nhà Ngoại Ô là câu chuyện của hai người cùng là quân nhân.
Bài hát Căn Nhà Ngoại Ô có thể xem là một trong những bài nhạc vàng hiếm hoi có nhắc đến người nữ quân nhân (bên cạnh bài Người Nữ Đồng Đội của nhạc sĩ Song Ngọc).
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau
Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu…
Ngoại ô là vùng ở ngoài rìa thành phố, nơi yên tĩnh không ồn ào náo nhiệt như trong nội ô. “Một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền” gợi nên một căn nhà lý tưởng có cây cối hoa trái hiền hòa ở nơi không xa quá đô thành, là mơ ước của những ai không thích cuộc sống xô bồ tấp nập nơi chốn phồn hoa. Lời đầu của bản nhạc kể về một nơi chốn bình yên như vậy, và chuyện tình học trò với chàng trai và cô bạn lối xóm cũng êm đềm thơ mộng không kém.
“Chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau” là những thứ “chưa” rất thường tình của các chuyện tình học trò thời xưa. Có nhiều lứa đôi mến nhau mà chỉ thầm để ý đến nhau thôi, chứ không ai dám nói lên lời yêu của lòng mình vì họ còn trong lứa tuổi học trò, chỉ chuyên tâm đến chuyện học hành. Những chuyện tình không dám ngỏ, cứ khép kín hoài chỉ riêng mình biết, mơ mơ hồ hồ trong tâm tưởng một thứ “gần như là tình yêu”.
Nề nếp gia phong lễ giáo là bức tường rêu bấy lâu đã ngăn cản chuyện yêu đương thời mới lớn, nhưng nay làm sao ngăn được đôi tim thanh xuân vừa chớm biết thổn thức. Những đêm thâu thức giấc trong ngỡ ngàng, cả hai người cùng thấy dậy lên trong mình những cảm giác yêu thương vừa mới mẻ, vừa lạ lùng, mới biết rằng mình đã yêu người hàng xóm.
Khi hiểu được nhau, thời gian gần gũi đã trôi qua mất rồi
Nào còn những phút hái hoa vườn trăng suốt đêm vang tiếng cười
Tôi bước theo tiếng gọi của người trai tha thiết với tương lai
Tôi xa anh sáng phố phường, xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.
Khi cả hai hiểu được tình ý của nhau rồi thì cũng là lúc chàng trai phải lên đường tòng chinh. Câu chuyện được kể bằng âm nhạc đã làm người nghe thương cảm về cuộc tình thời đao binh, vừa mới biết nhau chưa kịp tỏ lời đã đành xa nhau.
Những lúc “hái hoa vườn trăng suốt đêm chung tiếng cười” bây giờ đã thành kỷ niệm để nhớ nhung khi xa nhau. Câu hát gợi đến thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân cùng nhau hái hoa bắt bướm, cùng chung kỷ niệm từ thuở ấu thời qua đến tuổi hoa niên. Nếu ai đã từng có một thời yêu thương chưa đậm đà đã phải cách xa nhau mới càng thấm thía nỗi buồn hơn khi nghe câu “xa người em nhỏ lên đường tòng chinh”.
Căn Nhà Ngoại Ô – ca khúc đã làm nên tên tuổi ca sĩ Kim Loan trước 75
Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ
Và yêu không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ…
Đời lính xa nhà phải nay đây mai đó, người chinh nhân chỉ làm bạn với bốn phương non nước nơi mình đã đi qua. Và đối với tình yêu em thì “tôi nguyện mãi tôn thờ” – một mối tình dù bất cứ thời đại nào cũng đáng trân trọng cho tâm nguyện chung thủy của chàng trai trót mang nợ tang bồng, vẫn đau đáu mang sâu nặng trong lòng tình yêu rất mực dâng hết cho người mình thương.
Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng
Mà sao không thấy nàng
Tìm em, giờ tìm ở đâu sao không gắng đợi chờ nhau.
Một hôm người trai từ chốn lửa binh trở về vùng ngoại ô để tìm người xưa nhưng không thấy. Con đường ngoại ô quen thuộc đã từng chứng kiến bao lần chung bước về của đôi bạn chung trường năm xưa, nay vẫn còn đó và nằm lặng lẽ giữa đêm trường, tắm đẫm ánh trăng vàng. Giữa khung cảnh quạnh quẽ đó là hình ảnh của một người đứng lẻ loi giữa gió lạnh màn đêm, nghe nỗi buồn cô đơn dâng tràn ngập cả không gian.
“Tìm em như thể tìm chim. Chim bay bể Bắc anh tìm bể Nam” – Biết tìm em ở nơi đâu? Câu hát “sao không gắng đợi chờ nhau” như là hàm ý trách móc nhẹ nhàng cho người bạn láng giềng năm xưa.
Tôi hỏi người quen, nàng nay là nữ cứu thương trên chiēn trường
Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường
Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim
Em ơi, trái đất vẫn tròn,
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau…
Điều bất ngờ là khi nghe được tin cô bạn hàng xóm năm xưa nay là nữ cứu thương trên chiēn trường, mới biết là nàng đã “dấn thân trên bước đường” hiểm nguy không phân biệt là thân trai hay phận gái. Chàng trai xúc động đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, càng thương hơn người bạn năm ngày xưa và người tình trong mộng ngày nay đã trở thành người chung chí hướng.
Không riêng gì chàng trai nghe “thương xé nát con tim”, mà tất cả người nghe nhạc ai cũng thấy lắng đọng lại và cảm phục trước sự hy sinh tình riêng của cô gái để ra đi làm nữ cứu thương ngoài trận địa. Phải chăng nàng tình nguyện ra đi là để san sẻ gánh nặng sông hồ với người xưa, hay đó cũng là một cách để tìm kiếm cơ hội được gặp nhau nơi đầu tuyến khi đã trở thành những người đồng đội…
Đoạn kết của bài hát như lời khẳng định trái đất tròn thì hai đứa sẽ còn gặp lại nhau. Như lời của đôi trái tim thầm lặng từ thuở mới quen nhau chưa kịp hứa hẹn lời thủy chung:
Cho dù vật đổi sao dời
Trái tim này chỉ một người mà thôi…
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn