Trang chủ
Ca khúc “Ngày Em Hai Mươi Tuổi” của nhạc sĩ Phạm Duy – Giã biệt thời thiếu nữ tuổi 20
“Ngày Em Hai Mươi Tuổi” có lẽ là ca khúc hay và nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy trong thể loại tạm gọi là “nhạc vàng phổ thông”, là bài hát đã được hầu hết nữ danh ca nhạc vàng nổi tiếng trình bày: Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Hương Lan, Giao Linh…
Ngày em hai mươi tuổi
Tay cắt mái tóc thề
Giã từ niềm vui nhé
Buồn ơi hỡi chào mi
Tương truyền, khi một cô gái thất tình, hoặc vừa chia tay người yêu, thì cô cũng thường sẽ chia tay luôn cả mái tóc thề yêu dấu của mình. Đó như là cách để cắt đi nỗi buồn, tự làm mới mình để bắt đầu một cuộc hành trình mới cho mình.
Thanh Thúy hát Ngày Em Hai Mươi Tuổi trước 1975
Khởi đầu bài hát Ngày Em Hai Mươi Tuổi, nhạc sĩ Phạm Duy cũng để cho nhân vật chính trong bài hát khởi đầu hành trình mới như vậy khi vừa bước qua tuổi 20, là cái tuổi đã trưởng thành, không còn được phép vô tư, đã đến lúc nàng con gái phải giã từ những niềm vui riêng tư để bước qua ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, sẵn sàng chào đón những ưu phiền sẽ đến. Nụ cười vừa mới hé thì niềm thương đã tràn mi…
Ngày em hai mươi tuổi
Chưa biết nhớ nhung gì
Trên nụ cười mới hé
Niềm thương đã tràn mi.
Hoàng Oanh hát Ngày Em Hai Mươi Tuổi trước 1975
Ở đoạn điệp khúc sau đó của bài hát là những lời cảm thán “Ôi”, thể hiện sự tiếc nuối và muốn níu kéo thời thiếu nữ mới vừa thoáng qua:
Ôi đã thoáng qua tuổi thơ
Khi suốt đêm hồn ngơ
Nghe trái tim ngủ mơ
Ôi khi ánh trăng thẩn thơ
Ru giấc mơ hiền khô
Môi tiết trinh nở hoa.
Ôi bỗng sáng nay đàn chim
Bay tới thương giùm em
Thương xót hoa tàn đêm
Ôi nghe gió reo ngoài hiên
Mưa sẽ rơi triền miên
Sẽ hết chuyện thần tiên.
Từ đôi tám đến đôi mươi là độ tuổi mà nàng thiếu nữ có nhiều mộng ước nhất trong đời, đó là quãng thời gian ngắn ngủi mà nàng có quyền tha hồ để cho tâm hồn mình được mặc sức thẩn thơ và bay bổng. Rồi khi bước qua ngưỡng cửa trưởng thành của tuổi 20 thì những chuyện thần tiên đó sẽ kết thúc, nàng sẽ bắt đầu gặp những phiền phức mà người lớn nào cũng phải gặp, cuộc đời sẽ bắt đầu hứng chịu những cơn mưa gió đầu tiên, tuổi xuân vì thế cũng sẽ dần dần tàn phai như là đóa hoa sau một đêm mưa gió.
Giao Linh hát Ngày Em Hai Mươi Tuổi trước 1975
Ngày em hai mươi tuổi
Tay níu chân cuộc đời
Cho ngừng lời giăng giối
Thời gian cũng đừng trôi.
Ngày em bước qua tuổi 20, dù có tay níu như thế nào thì cũng không thể nào quay ngược được bánh xe của thời gian.
Ở đoạn này, nhạc sĩ sử dụng 2 chữ mang tính phương ngữ miền Bắc, đó là “giăng giối”, làm cho nhiều người hiểu lầm. Giăng giối ở đây không phải là “gian dối” như nhiều người lầm tưởng, vì bài hát này không mô tả chuyện yêu đương cụ thể, nên dĩ nhiên là không có ai gian dối gì ai.
Giăng giối ở đây chính là “Trăng Trối” (hoặc cũng có thể viết là “trăn trối”, tuy nhiên theo từ điển Tiếng Việt thì Trăng Trối mới là đúng chính tả).
Nếu tìm hiểu kỹ nhạc Phạm Duy, có thể thấy ông đã có vài lần sử dụng âm “Gi” thay cho âm “Tr” mang đậm phương ngữ miền Bắc. Thậm chí trong phần viết về phương Nam của trường ca Con Đường Cái Quan, ông cũng dùng chữ “Giã ơn”, thay vì phải là “Trả ơn”, đó là trong đoạn khúc Đoạn khúc 18: “Giã ơn cái cối cái chầy” của phần 3 bài Trường ca. Cách dùng chữ này của nhạc sĩ Phạm Duy đã bị ông bạn thân Trần Văn Khê “phê bình” trong một lần phân tích tác phẩm từ thập niên 1960, và chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng thừa nhận sai sót trong trường hợp này.
Trong một bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Phạm Duy, ông lại một lần nữa sử dụng chữ Giăng Giối với ý nghĩa là Trăng Trối, đó là bài Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời: “Trong ngày mai, có dư hương người, chỉ là giăng giối mà thôi”.
Trở lại trường hợp câu hát “Cho ngừng lời giăng giối” (cho ngừng lời trăng trối), trong câu hát này, đó như là lời trối trăng gửi lại sau cùng của nàng sắp hết tuổi thiếu nữ, để kết thúc tuổi mộng mơ và bước qua tuổi trưởng thành.
Ngày em hai mươi tuổi
Mới chớm biết yêu người
Ðã buồn vì duyên mới
Rồi đây sẽ nhạt phai
Ngày em hai mươi tuổi, cái tuổi mới chớm biết yêu người, cũng chính là tuổi bắt đầu biết buồn, biết âu lo, sợ rằng tình sẽ nhạt phai…
Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1961, vào thời điểm thể loại nhạc vàng phổ thông (cái tên tạm dùng để gọi tên các bài hát sáng tác ở miền Nam thường dùng điệu bolero, habanera hay rumba…) bắt đầu được các nhạc sĩ tiên phong sáng tác, như Trúc Phương, Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Châu Kỳ, Mạnh Phát…, và nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những người đầu tiên sáng tác nhạc vàng, tiêu biểu trong số đó chính là bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi, ra đời ngay vào thời điểm sơ khai của nhạc vàng. Sau này nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa ca khúc này vào loạt bài Nữ Ca, được gọi là bài Nữ Ca thứ 10.
Thiên Trang hát sau năm 1975
Các bài Nữ Ca khác của nhạc sĩ Phạm Duy là Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Ngọc, Tuổi Thần Tiên…, là loạt bài hát mà nhạc sĩ sáng tác riêng cho cô con gái yêu Thái Hiền trình bày. Những bài hát này xưng tụng cái tuổi tuyệt vời của người thiếu nữ, và Ngày Em Hai Mươi Tuổi, dù là bài sáng tác đầu tiên, nhưng lại là bài hát dùng để kết thúc loạt bài Nữ Ca, bởi vì khi đến 20 tuổi, các cô gái sẽ không còn là “thiếu nữ” nữa, vì đã đến ranh giới bước qua tuổi trưởng thành.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn