Trang chủ
Ca khúc “Bà Mẹ Quê” của nhạc sĩ Phạm Duy – Nhớ về những người mẹ tần tảo ở quê xưa
Bà Mẹ Quê là một trong ba khúc hát tình tự dân tộc của nhạc sĩ Phạm Duy viết về những người dân quê ở chốn ruộng đồng, bên cạnh Em Bé Quê và Vợ Chồng Quê, được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1954. Đây là những ca khúc đã nhận được sự yêu mến và phổ biến sâu rộng, không chỉ đối với người yêu nhạc mà còn đối với mọi tầng lớp quần chúng, đó là bởi nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa vào trong bài hát những giai điệu trữ tình gần gũi của âm nhạc dân tộc, cùng những hình ảnh, ca từ giản dị mà thân thuộc đối với bất kỳ người Việt nào.
Ngay mở đầu ca khúc, hình ảnh những bà mẹ tảo tần, chắt chiu của những làng quê Việt Nam đã hiện ra thân thương, gần gũi trong một không gian mộc mạc và chân thực:
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
Cho đến tận ngày nay, khi mà lối sống hiện đại đã tràn về khắp các miền quê Việt, thì khu vườn rau với những đàn gà loanh quanh trong vườn của mẹ vẫn là những hình ảnh thân thương, trân quý nhất mà những người con xa quê thường nhớ về. Khi con còn nhỏ, gia đình còn nghèo khó, người mẹ chắt chiu từng bó rau, cái trứng, từng thức quả trong vườn để đem đổi lấy tiền, gạo, mắm, muối,… để nuôi sống đàn con lớn lên. Khi con đã trưởng thành, đi xa, mẹ lại gói ghém từng cái trứng, nhặt từng bó rau gửi về thành thị cho con. Hình ảnh bà mẹ mộc mạc, chân quê, chẳng hề nổi bật mà lẩn khuất trong vườn rau xanh ngắt, giữa đàn gà con được nhạc sĩ vẽ lên thật đẹp bằng những ca từ giản dị mà thân thương.
Thái Hằng hát Bà Mẹ Quê năm 1951, ngay sau khi bài hát được ra đời
Bà, bà mẹ quê!
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà, bà mẹ quê!
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon
Những câu hát ngọt ngào, đẩy đưa đậm chất ca dao dân ca như những con sóng lăn tăn vỗ vào lòng người những cơn rung chấn cảm xúc đậm sâu. Trong những gia đình Việt truyền thống, người mẹ thường thức dậy sớm trước cả nhà để lo việc nấu nướng, chợ búa.
Thời xưa không có đồng hồ, nên nhịp sinh hoạt đêm ngày phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Người ta chia mỗi đêm thành 5 canh, mỗi canh khoảng 2 giờ đồng hồ, tính từ khoảng 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Mọi người thường sẽ thức dậy vào canh 5 tức là vào khoảng 3-5 giờ sáng nhờ vào tiếng gáy của những chú gà trống: “Gà gáy trên đầu ngọn tre” – Đó là tiếng gáy đầu tiên vang lên khi trời vừa tờ mờ sáng, khi mọi người còn chưa thức dậy, trời đêm còn yên tĩnh, nên tiếng gáy của chú gà trống vang xa hơn, lớn hơn. Đó là lúc người mẹ thức dậy, nấu nồi cơm, nồi cháo, đặt ấm nước lên bếp, rồi sửa soạn đi cho kịp buổi chợ sớm. Những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương sẽ không phải thức dậy sớm, khi ngủ dậy thường sẽ không thấy mẹ ở nhà vì mẹ đã đi chợ từ sớm.
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người Việt, những buổi sáng thức giấc, ngồi trước hiên nhà, chờ mẹ đi chợ về mang theo những món quà bánh là những kỷ niệm ngọt ngào không thể phai.
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều thì phơi lúa ra
Những câu hát giống như đoạn đối đáp đầy tình cảm, quan tâm và yêu thương giữa những người trong gia đình. Đáp lại nỗi lo lắng khi trời mưa trút xuống khiến mẹ bị ướt áo, người mẹ lại lạc quan rằng: “mưa nhiều càng tươi bông lúa”. Đáp lại sự than vãn trong những ngày trời nắng đổ lửa đến “bốc khói sân nhà” thì mẹ lại bình thản đáp rằng: “nắng nhiều thì phơi lúa ra”.
Người nghe nhạc mang những cảm xúc khó tả khi hình dung về một người mẹ tảo tần, vất vả trong mưa nắng nhưng không nề hà, than van khó nhọc mà luôn lạc quan, vui vẻ. Dường như, chẳng có điều gì làm khó được những bà mẹ quê ấy, bởi họ đã chịu nhiều nỗi vất vả nhọc nhằn hơn nữa.
Bà, bà mẹ quê, đêm sớm không nề hà chi
Bà, bà mẹ quê, Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui
Và dù mẹ có cực khổ, vất vả hơn nữa, thì mẹ cũng chẳng “nề hà chi”, vẫn sẽ ngày ngày thức khuya dậy sớm, không mong cầu ao ước gì cho bản thân mình, mà chỉ mong con trẻ lớn khôn, vui tươi, khoẻ mạnh.
Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say
Bà, bà mẹ quê!
Để rồi khi những đứa con lớn lên, trưởng thành đi xa, lại chính những bà mẹ quê ấy trở thành người bà không quản ngại vất vả, sớm hôm, tiếp tục chăm sóc cho những đứa cháu. Hình bóng những người mẹ, những người bà áo mỏng thân gầy hiện ra thật xót xa trong từng câu hát nhấn nhá, tưởng như nhẹ bẫng mà thẫm đẫm niềm nhớ thương và tri ân sâu sắc.
Câu hát “miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy” thể hiện sự tinh tế đặc biệt của nhạc sĩ Phạm Duy trong cách sử dụng ca từ. Dù chẳng có lời nào đề cập đến sự còn hay mất của bà mẹ quê xưa ấy nhưng người nghe vẫn ngầm hiểu rằng, đứa con đi xa đã chẳng còn nhận được sự yêu thương, chăm sóc, gần gũi của người mẹ ấy nữa. Tất cả chỉ còn là ký ức, là nỗi nhớ nhung, hoài thương, chát đắng trong lòng.
Khánh Ly hát Bà Mẹ Quê
Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê!
Từ lúc quê hương xoá nhoà
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ xa
Cho đến những câu hát cuối cùng này thì ta hiểu rằng, tâm sự của người con, người cháu trong ca khúc chính là tâm sự của nhạc sĩ Phạm Duy nói riêng và rất nhiều người Việt nói chung trong giai đoạn chia phôi, đầy biến động của đất nước. Câu hát “chân bước ra đời rồi xa” chính là hoàn cảnh thực của nhạc sĩ, ông trưởng thành ra đời rồi đi xa, xa mãi càng ngày càng xa, đến khi Bắc – Nam chia đôi, “quê hương xoá nhoà”, đường về mù mịt nhìn lại thì đã chẳng còn thấy gì nữa, đã bặt tin tức từ bao giờ.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn