Trang chủ
Ca khúc “Ai Nhớ Chăng Ai” và mối tình đầu đau thương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Trước khi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng trải qua một thời tuổi trẻ có rất nhiều biến cố, có cả hạnh phúc lẫn đau thương.
Năm 1945, ở tuổi 16, Hoàng Thi Thơ bỏ học trường Khải Định ở Huế để tham gia đoàn văn nghệ Quảng Trị.
Năm 1948, ông ra liên khu 4 để làm công tác tuyên truyền cho Việt Minh và làm phóng viên – biên tập viên báo Cứu Quốc tại liên khu 4. Cũng tại đây, đây ông học theo trường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh để hoàn tất chương trình phổ thông. Cùng học chung có một người bạn học cùng quê Quảng Trị là Trương Tân Nhân, khi đó mới 16 tuổi. Từ đó 2 người đã trải qua một chuyện tình sâu sắc và bi thương kéo dài.
Năm 1951, khi mối tình đã thật thắm thiết thì 2 người lạc mất nhau vì thời cuộc. Trong một lần nhạc sĩ Hoàng Thi Trở lại Huế thăm gia đình, ông không thể trở lại ᴄhιến khu nữa, bỏ lại người yêu, và chính ông cũng không biết rằng mình đã bỏ lại cả đứa con nhỏ đang thành hình chỉ được vài tháng.
Thời gian sau đó nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào sinh sống ở Sài Gòn, trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất tại đây, còn Tân Nhân thì ở lại bên kia vĩ tuyến sau khi đất nước chia đôi vài năm sau đó, rồi trở thành một ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ, nối tiếng với bài hát Xa Khơi (Nguyễn Tài Tuệ), viết về chuyện tình của kẻ Nam người Bắc.
Năm 1955, khi soạn cuốn hướng dẫn sáng tác tân nhạc đầu tiên của Việt Nam mang tên Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thể hiện niềm thương nhớ đến người xưa bằng việc ghi lời đề tặng ở cuốn sách nổi tiếng này như sau: “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Dòng chữ được đặt ngay bên dưới lời kính dâng đến Phụ – Mẫu – Anh, đã thể hiện tấm lòng của người nhạc sĩ.
Rồi ai cũng phải có cuộc sống gia đình riêng, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới vợ là nữ ca sĩ Thúy Nga năm 1957, nhưng không vì vậy mà ông thôi day dứt về mối tình đã bỏ lại bên kia vĩ tuyến. Một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Ai Nhớ Chăng Ai – sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1950, để nhắc về những kỷ niệm mà ông đã có cùng mối tình đầu trong ᴄhιến khu, nơi hai người đã từng một thời gian dài bên nhau:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều có người em gái qua bên thềm
Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh
Nhạc rừng nghe buồn mông mênh
Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những ngày, những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo vui sống trong mặn mà
Đời vàng lên ngàn câu ca, mà tình thấy càng bao la
Ngàn lòng như chan hòa…
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu…
Duy Khánh hát Ai Nhớ Chăng Ai trước 1975
Trong bài hát này có những hình ảnh gợi nhớ lại những tháng năm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng theo kháng ᴄhιến, đó là “trăng đầu ghềnh” và “nhạc rừng nghe buồn mông mênh”, nhắc về một thời khó khăn nhưng êm đềm hạnh phúc, nơi quê nghèo vẫn vang lên ngàn câu ca yêu đời và tràn đầy niềm hy vọng, đặc biệt là nhắc về “mối duyên ban đầu” cùng người con gái vừa là bạn học, vừa là đồng đội:
Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu…
Bài hát cũng nhắc lại buổi chia tay định mệnh, khi nàng tiễn chàng trở về đô thị, không ai biết rằng đó cũng là lần cuối:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng hôm nào, hôm nào mưa rớt trên sông dài
Trên dòng em tiễn anh một chiều
Chiều chia ly còn chưa phai, trời buồn khóc giùm duyên ai
Giọt lệ tuôn ngắn dài…
Năm 1963, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có cơ hội gặp lại được Tân Nhân, khi ông dẫn một đoàn văn nghệ của miền Nam sang trình diễn tại hội chợ quốc tế That Luang, cùng lúc đó cũng có một phái đoàn văn nghệ của miền Bắc (VNDCCH) tham gia, trong đó có Tân Nhân. Tuy nhiên, trong khi Hoàng Thi Thơ tìm mọi cách để gặp thì Tân Nhân lại lánh mặt.
Lần thứ 2 họ ở rất gần nhau, đó là năm 1968, hai đoàn văn nghệ của 2 miền lại có mặt cùng lúc tại Paris. Lần này nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ quyết tâm muốn gặp lại, hoặc ít nhất là muốn được thấy mặt cho thỏa lòng, nên đã mua vé hàng ghế đầu trong tất cả các buổi diễn của đoàn miền Bắc, nhưng có lẽ là Tân Nhân đã biết điều đó nên không xuất hiện để trình diễn.
Tuy không gặp mặt, nhưng thời gian sau này, ca sĩ Tân Nhân có nhiều dịp được nghe nhạc của Hoàng Thi Thơ, và đâu đó trong những bài ca của ông, bà thấy lại được chính mình, thấy những kỷ niệm mà cả 2 đã từng có, đặc biệt là qua bài Ai Nhớ Chăng Ai, với những lời nhớ thương muôn đời được tỏ bày:
Nhớ vô vàn, nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Quên quên sao bao nhiêu phút xa xưa êm đềm
Nhớ vô vàn, nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Bao nhiêu con người dừng chân trên bến tâm hồn
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng khói chiều, khói chiều vương vấn mái tranh nghèo
Có bầy em bé reo ngoài vườn
Mẹ già tóc bạc như sương,
nợ đời uốn còng đôi vai xương đớn đau trăm đường
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những gì, những gì tha thiết nhất trong đời
Những gì không nói nên bằng lời
Mà tim ta thì chơi vơi, mà hồn ta tìm nơi nơi
Mà lòng ta nhớ đời…
Thanh Tuyền hát Ai Nhớ Chăng Ai trước 1975
Rất có thể bà Tân Nhân rất xúc động khi được nghe những lời hát này, nên đã viết 4 câu thơ họa lại, như là lời hồi đáp muộn màng:
Ai có buồn chăng, có nhớ chăng
Những bản tình ca quyện gió ngàn
Khu rừng mặt trận ngày xuân ấy
Ngân mãi theo ta dòng thời gian…
Năm 1994, sau nhiều năm lưu lạc xứ người, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lần đầu trở lại quê hương kể từ năm 1975, để gặp lại người con mà ông chưa từng gặp mặt. Khi đó Tân Nhân cũng có ý lánh mặt, tuy nhiên với sự sắp xếp khéo léo của người con chung, để họ có thể gặp lại mà không ngại ngần. Đó cũng là lần gặp nhau sau cùng, đầy ân tình và cũng đầy tự trọng giữa 2 tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Việt Nam ở 2 miền.
Khi hay tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất ở Hoa Kỳ, ca sĩ Tân Nhân viết những dòng thơ tưởng nhớ, bài thơ mang tên “Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ”:
Ơi Thạch Hãn, ơi Bích Khê
Thôi từ nay không còn đợi ông về
Người nhạc sĩ với cây đàn ấy
Hồn tươi vui thắm đượm tình quê…
Từ xứ nghèo Quảng Trị ra đi
Đôi bờ vĩ tuyến buồn vui gì
Trải bao trăn trở tìm lẽ sống
Vì đâu đau khổ và chia ly…
Một tấm gương kiên trì lao động
Những thăng hoa bước tiến tài năng
Mỗi cung đàn dựng bằng tâm huyết
Tác phẩm còn đọng lại với thời gian.
Ông – người yêu nồng nàn cuộc sống
Từ con người hoa lá chim muông
Yêu sông núi xóm làng thơ mộng
Và dệt nên những bản nhạc quê hương
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn