Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Đường Xưa Lối Cũ” theo lời kể của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Một trong những bản nhạc mà khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta không thể không nhớ đến, đó là Đường Xưa Lối Cũ. Trong tờ nhạc xuất bản trước 1975, đề bút dưới tựa đề của bài hát này, nhạc sĩ đã ghi: “Kính tặng Mẹ và tặng Em”. Từ khi ra đời cho đến nay, bài hát đã được nhiều người yêu thích, dễ đi vào lòng thính giả nhờ những giai điệu và ca từ buồn thương tiếc nhớ về hình bóng của những người thân yêu đã không còn nữa trên lối cũ về làng xưa. Bài hát này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác khi ông trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì đất nước loạn lạc.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng nói rằng hầu hết những ca khúc mà ông sáng tác đều dựa trên những câu chuyện có thực, và Đường Xưa Lối Cũ là một bài hát như vậy. Những hình ảnh, khung cảnh, con người, cảm xúc trong đó hoàn toàn chân thực, tái hiện được một phần đời của tác giả bài hát.
Năm 1999, trên Paris By Night 47, nhạc sĩ đã kể về xuất xứ bài hát như sau:
“Tôi được sinh trưởng trong một ngôi làng rất nhỏ bé, nhưng rất thơ mộng, đó là làng Bích Khê. Ngôi làng đã cho tôi những hình ảnh không bao giờ xóa nhòa trong lòng tôi, trong tâm khảm tôi, và trong cả cuộc đời tôi.
Đó là những hình ảnh về hàng tre xanh ngát, có con sông Thạch Hãn rất thơ mộng, và trong làng có một cánh rừng, có những lúc trăng treo trên đồi rất đẹp. Đặc biệt là ở đó còn có hình ảnh mẹ và em gái của tôi.
Nhưng trong cuộc đời, chúng ta không bao giờ cứ bám chặt lấy làng quê hoài được, nhất là vào hoàn cảnh thời cuộc lúc đó, cho dù nó có thơ mộng biết bao nhiêu.
Rồi tôi bỏ nhà đi kháng ᴄhιến 10 năm, vẫn cứ ôm theo hình ảnh đó mãi trong lòng trên suốt những nẻo đường xa nhà. Một lần có cơ hội được trở về, trong lòng tôi cứ tưởng là khi trở lại thì hàng tre vẫn xanh, con sông thạch Hãn vẫn đẹp, cái đồi đó vẫn nên thơ, và nhất là mẹ tôi vẫn còn đó đón tôi về, em tôi đợi chờ tôi về rồi mới sang ngang.
Nhưng khi tôi về thì mẹ tôi không còn nữa, đã qua bên kia thế giới, còn em tôi thì đã sang ngang. Đó chính là những giọt nước mắt chảy dài trong cuộc đời tôi…”
Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi
Đường xưa lối cũ, có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ, có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai
Đường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng
Đường xưa lối cũ, có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con
Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng…
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.
Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…
Mỹ Thể hát Đường Xưa Lối Cũ trước 1975
Trong bài hát có câu: Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn… lâu nay đã có nhiều người tưởng rằng nhạc sĩ nói về nỗi buồn người yêu sang ngang, tuy nhiên theo chính lời kể của nhạc sĩ bên trên, thì đó là người em gái yêu dấu của ông, đã lấy chồng biệt xứ trong hoàn cảnh đất nước đã chia đôi.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929, vào năm 1945, lúc đang theo học trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế) thì ông bỏ học để tham gia đoàn văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn, rồi sau đó tham gia Việt Minh, công tác ở đoàn tuyên truyền, làm phóng viên và biên tập viên báo Cứu Quốc ở liên khu 4. Tại Hà Tĩnh của liên khu 4, ông theo học trường Huỳnh Thúc Kháng để tiếp tục chương trình phổ thông đang bỏ dở, chính tại đây ông đã gặp và yêu một người bạn học là Tân Nhân, cũng là một ca sĩ đang tham gia đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên.
Năm 1951, Hoàng Thi Thơ về Huế thăm gia đình người anh ruột, với mục đích là muốn xin gia đình người anh một số tiền để trở lại vùng kháng ᴄhιến, dự định sau đó đưa người yêu ra Hà Nội để theo học trường Văn Khoa ở đây.
Tuy nhiên, thời cuộc lúc đó rất phức tạp, gia đình đã giữ Hoàng Thi Thơ ở lại và khuyên là không nên trở ra ᴄhιến khu, mặc dù ông rất nôn nóng muốn quay lại với người yêu. Cuối cùng thì ông cũng xiêu lòng trước những lời khuyên nhủ của những người thân và quyết định vào Sài Gòn cùng 2 người cháu mà ông xem như là con ruột, đó là là nghệ sĩ Hoàng Thi Thao và tỉ phú Hoàng Kiều hiện nay.
Người yêu của Hoàng Thi Thơ là Tân Nhân thì vẫn ở lại vùng kháng ᴄhιến, rồi trở thành một ca sĩ nhạc đỏ huyền thoại ở miền Bắc sau khi đất nước chia đôi. Kể từ đó coi như hai người chia tay nhau và không còn sự liên hệ chính thức nào nữa.
Tại Sài Gòn, Hoàng Thi Thơ kết hôn cùng với nữ ca sĩ xinh đẹp Thúy Nga năm 1957 rồi trở về thăm quê là làng Bích Khê ở Quảng Trị năm 1958. Đó là lần đầu tiên ông được về lại quê xưa sau nhiều năm xa cách, trở thành nguồn cảm xúc để sáng tác ca khúc bất hủ Đường Xưa Lối Cũ vào mùa Đông năm 1958.
Thái Thanh hát Đường Xưa Lối Cũ
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn