Thơ Cung Trầm Tưởng và dòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy qua bài viết năm 1959

12/01/2025.


Thi sĩ Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn của thi đàn miền Nam từ thập niên 1950, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng mang phong thái rất riêng, trong đó tiêu biểu là những bài lục bát, một số bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được công chúng yêu thích: Tiễn Em (bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế), Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Chiều Đông (bài thơ Khoác Kín), Bên Ni Bên Nơ (bài thơ Tương Phản)…

Tác giả Bùi Ngọc Tuấn nhận xét: “Muốn biết cái hay của tiếng Việt, phải đọc thơ Lục Bát, muốn đọc thơ Lục Bát hay, phải đọc thơ Cung Trầm Tưởng, không phải đọc một bài, mà phải đọc toàn tập. Đọc toàn tập mới thấy được nhiều nhạc điệu luân chuyển, nhiều ảnh hình biến hoá, nhiều ý thiết tha, nhiều tình tha thiết. Đọc thơ Cung Trầm Tưởng để biết cách dùng tiếng Việt.”

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Ông làm thơ từ khi còn rất trẻ, trong thời gian đi tản cư lên miền thượng du (năm 1947). Sau khi hồi cư về Hà Nội, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn từ năm 1948. Học xong tú tài, ông được học bổng sang Pháp du học từ những năm đầu thập niên 1950, tốt nghiệp Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.

Trong thời gian ở Pháp, ông có gặp gỡ nhạc sĩ Phạm Duy, lúc đó cũng đang du học về âm nhạc phương Tây.

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy, họa sĩ Ngy Cao Uyên. Ảnh: huyvespa

Cuối năm 1956, ông trở về nước làm việc cho ngành không quân của quân đội. Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành…

Là một người rất thích triết học tây phương, ông lấy bút hiệu Cung Trầm Tưởng, với Cung là họ, Trầm là Trầm Mặc, Tưởng là Tư Tưởng.

Năm 1959, Cung Trầm Tưởng phát thành tập thơ đầu tiên mang tên Tình Ca, với sự kết hợp đặc biệt của thi – nhạc – họa, giới thiệu 13 bài thơ, 6 bài được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, nét vẽ của Ngy Cao Uyên (tên thật là Nguyễn Cao Uyên) để minh họa cho các bài thơ. Cũng vì sạu kết hợp độc đáo này, tập thơ Tình Ca trở nên rất khác biệt so với nhiều tập thơ khác từ xưa đến nay.

Có một điều trùng hợp, đó là cả 3 tác giả: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên đều từng đi du học ở Paris những năm đầu thập niên 1950, và tập thơ “Tình Ca” có nhiều bài thơ được sáng tác ở Paris, với bối cảnh nước Pháp.

Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy, và họa sĩ Ngy Cao Uyên. Ảnh: huyvespa

Từ nét nhạc của Phạm Duy, lần đầu được giới thiệu trong tập thơ này, tên tuổi của Cung Trầm Tưởng đã vượt ra khỏi địa hạt thơ để bay xa hơn, đến với đông đảo khán giả hơn. Có thể nói, cùng với Nguyên Sa, thi sĩ Cung Trầm Tưởng là người đã đem hình ảnh Paris vào trong thơ rất lãng mạn đến với công chúng Việt Nam.

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc phổ thơ là một đề tài tiêu biểu, rất nhiều thi phẩm được nhạc Phạm Duy chắp cánh để trở nên nổi tiếng trong làng nghệ thuật, cùng với đó là những thi sĩ Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Văn Bình, Vũ Hữu Định cũng được công chúng biết đến rộng rãi. Dòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu trước hết là từ thơ của Cung Trầm Tưởng, vào những năm cuối thập niên 1950, rồi sau đó mới đến các thi sĩ khác.

Ngay sau khi tập thơ – nhạc họa Tình Ca được ra mắt công chúng, tác giả Văn Trang đã có một bài giới thiệu đăng trên tạp chí Trẻ số 2 năm 1959, sau đây là nguyên văn bài viết này.

Tạp chí Trẻ, tư liệu của huyvespa

Thuật lại một cuộc hợp tác

Tập “Tình Ca” trong tay, tôi đến gặp thi sĩ Cung Trầm Tưởng đúng lúc anh đang sáng tác thơ.

Anh ngửng đầu lên, vừa cười vừa nói hồn nhiên:

– À, lại nhà báo!

Tôi mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề:

– Trước khi viết một bài về “Tình Ca”, mong anh, Phạm Duy và Nguyễn Cao Uyên cho biết ý kiến về…

Tôi chưa kịp nói hết Cung Trầm Tưởng đã lanh lẹn cắt đứt:

– Có ngay!

Tôi tiếp tục:

– “Tình Ca” là tập đầu tiên ở Việt Nam, trong đó thơ, nhạc, họa đồng hành với nhau. Anh nghĩa gì về sự hợp tác tay ba ấy?

– Hồi ở Paris, tôi đã có ý định thực hiện sự hợp tác tay ba này. Điều khó khăn đầu là tìm được một hồn nhạc và một nét vẽ cảm, mến thơ mình.

– Anh đã tìm được hồn nhạc ở Phạm Duy và nét vẽ ở Nguyễn Cao Uyên?

– Phải, hai người bạn thân này. Ngoài là nhạc sĩ và họa sĩ, còn có một tâm hồn rất thi sĩ. Tôi chẳng cần biện minh hộ, anh cứ thưởng thức tác phẩm của họ là hiểu ngay. Ngoài ra, họ cũng từng sống những phút giờ như tôi, nghĩa là từng chờ đợi ở vườn Lục Xâm, từng tiễn đưa ở một nhà ga Ba Lê…

– Thế anh có để cho họ tự do khi phổ hay họa thơ anh không?

– Có chứ, hoàn toàn tự do. Tôi không hề ép buộc họ trong một công thức nào hết.

– Tôi hiểu rồi. Vì vậy Phạm Duy đôi khi chỉ giữ hồn thơ anh, còn tự do đổi lời cho hợp âm điệu.

Chúng tôi tạm ngừng để uống trà. Cung Trầm Tưởng chưa kịp đặt chén xuống thì tôi đã vội hỏi:

– Lúc nẫy, anh chỉ mới nói đến điều khó khăn đầu tiên. Vậy còn điều khó khăn nào nữa?

– Điều khó khăn sau là ở phương diện kỹ thuật. Theo tôi, phổ thơ, họa thơ là một kỹ thuật khó khăn. Về kỹ thuật Phạm Duy, kỹ thuật Nguyễn Cao Uyên, tôi không hề đặt dấu hỏi. Anh nên gặp họ thì hơn.

Tôi đến gặp Phạm Duy đúng lúc anh vừa đọc xong một quyển khảo luận về nghệ thuật điện ảnh. Vẻ mặt anh còn đang thắc mắc về một điều gì xa xôi, thì tôi đã đi thẳng ngay vào vấn đề:

– Mong anh cho biết ý kiến về sự hợp tác của anh trong “Tình Ca”.

– Hợp tác thì chưa đúng hẳn, đồng sáng tác thì đúng hơn. Về phương diện thơ phổ nhạc, tôi bao giờ cũng quan niệm có cảm mến thơ thì mới phổ nhạc.

– Nghĩa là như anh Cung Trầm Tưởng đã nói với tôi.

– Phải. Cảm, mến thơ vì qua âm điệu, ý hồn, mình đọc được chính cảnh ngộ của mình. Tôi cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng bởi đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm về Ba Lê.

Lúc này, sau cặp mắt kính cận thị lờ mờ, mặt Phạm Duy lộ một vẻ buồn man mác. Tôi vừa nhìn tập “Tình Ca” vừa nói:

– Cảm, mến xong rồi, anh tính chuyện sáng tác ra sao?

Phạm Duy trả lời nhanh nhẹn:

– Phổ nhạc cho thơ là cả một kỹ thuật khó khăn. Tôi chỉ tóm tắt những điểm chính: thoạt đầu tìm một thể nhạc, thích hợp và bài thơ rồi chia bài thơ ra thành từng đoạn. Phân tích âm điệu, tìm tòi nét nhạc; sau cùng ghép lại, sửa đổi cho sáng tác tròn trặn, nhạc và thơ song hành cùng nhau.

– Anh có thể cho biết một vài ví dụ trong “Tình Ca” được không?

– Chẳng hạn trong “Mùa Thu Paris”, tôi cố tâm dùng thể Musette để gợi lại không khí các buổi khiêu vũ chủ nhật của sinh viên Paris. Trong “Chiều Đông”, tôi lại chuyển sang thể Blue nhịp hai để diễn tả cảnh tầu đi xuống tỉnh, ga ở lại với băng nguồn tuyết núi. Theo tôi, như vậy thích hợp hơn…

Tôi phải xuống tận Biên Hòa mới gặp được họa sĩ Nguyễn Cao Uyên. ở đó, tôi được dẫn đi xem xưởng họa của anh, lập trong một biệt thự xinh xắn.

Sau một hồi bàn luận về hội họa, chúng tôi chuyển sang chuyện hợp tác trong “Tình Ca”.

Nguyễn Cao Uyên cũng như Phạm Duy đã cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng trước khi vẽ. Anh nói như sau:

– Trong “Tình Ca”, tôi diễn tả thơ bằng một vài nét vẽ rất tượng trưng. Theo tôi, như thế thì mới có vẻ “thơ”.

– Anh có thể dẫn chứng bằng một vài thí dụ không!

– Chẳng hạn trong “Mùa Thu Paris”, tôi chỉ diễn tả cảnh mùa đông vườn Lục Xâm Bảo bằng một pho tượng trơ trọi và dăm cành cây xơ xác; còn cảnh “ngóng em kiên khổ phút giờ” hay “không em buốt giá từ tâm”, theo tôi vẻ mặt ưu tư của một sinh viên ngồi chờ ghế đá là đủ diễn tả.

– Có người cho cách trình bày bìa “Tình Ca” của anh hơi “siêu tả chân”. Có đúng vậy không?

– Sao lại “siêu tả chân”! Tôi chỉ muốn tượng trưng Tình Ca bằng một trái tim, thơ nhạc họa bằng một người đàn bà, một cái đàn và một cái bút lông. Có thế thôi!

Ngy Cao Uyên minh họa cho ca khúc Bên Ni Bên Nớ (nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ Tương Phản của Cung Trầm Tưởng) trong tập thơ Tình Ca. Ảnh: huyvespa

Với óc tò mò say mê của một nhà chiêm tinh thám hiểm, tôi thường âm thầm theo dõi một hiện tượng sau xuất hiện trong vũ trụ thi ca: Có những vì sao, bỗng một đêm nào đó, hiển hiện lên sáng ngời, khiến ta phải chú ý đến, chú ý đến chưa xong xuôi thì đã vội tắt đi đột ngột đến nỗi ta tin đây là một sự vĩnh biệt. Nhưng không, rồi một đêm không chờ không đợi, những vì sao huyền bí kia lại hiện về sáng ngời hơn xưa. Lần này, ta không thờ ơ nữa, ta bắt đầu theo dõi cẩn thận, tâm nhớ dạ ghi phương hướng. Và ta thấy, trong thời gian xoay vần, những vì sao đó thỉnh thoảng lại hiện về, càng ngày càng sáng ngời hơn, để rồi hôm nay với ta trở thành một hiện tượng quen thuộc dù hiếm hiện.

Ở đây, tôi muốn nói riêng đến một trong những vì sao đó của vũ trụ thi ca: Cung Trầm Tưởng.

Cái tên này thật ra chẳng xa lạ lắm với ta. Tôi đã âm thầm theo dõi Cung Trầm Tưởng từ ngót mười năm nay. Từ lúc anh bắt đầu xuất hiện bằng ánh sáng những bài thơ rừng hoang vu. Những bài thơ này đăng rải rác trong những tạp chí văn nghệ mà nay tôi chỉ còn nhớ một vài tên như Mới, Phổ Thông Trường Luật, Quan Điểm, Đất Đứng, Sáng Tạo…

Để có một ý niệm liên tục về thơ Cung Trầm Tưởng – ý niệm này sẽ giúp ta hiểu rõ thêm nguồn thơ của “Tinh Ca” mà tôi sắp nói đến – tôi xin trích một vài đoạn những bài thơ rừng trên:

Sông ơi! bạn những cồn hoang,
chị khôn phố phủ, em ngoan bản rừng
Tình ta lũng xóm mịt mùng
đìu hiu quán nhỏ, chập chùng núi cao (Tập Bản Thổ – Đà Giang)

Chóm lá trúc chao mình ôm xóm vạn
về họp làng trên bãi cát ven sông.
Những con cò, con sếu, những con nông:
em viễn bản, anh rừng châu suối phủ.

hoặc:

Hồn tôi cái đĩa thâu thanh
tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca.
Do ré mi fa sol la…
Ngẫm từng âm điệu, nghe ra chiều buồn (Tập Bản Thổ – Chiều)

Hơi thở thơ Cung Trầm Tưởng rài rạt như vậy. Ý thơ Cung Trầm Tưởng đậm đà như vậy. Thế mà, bỗng một sớm tối, vì sao Cung Trầm Tưởng lặn đi, lặn đi một thời gian lâu (hơn ba năm), để ta bàng hoàng ngơ ngác. Hỏi ra mới biết người thơ trẻ tuổi này đã xuất dương sang Pháp để trau dồi trí thức, sau khi đã đỗ xong Tú Tài.

Dù Cung Trầm Tưởng vắng mặt lâu, tôi vẫn đôi khi nhớ đến anh qua những vần thơ trên ngâm đi ngâm lại. Rồi cuối năm 1956, anh trở về Việt Nam. Ngay sau đó tôi được nghe Tao Đàn trình diễn thơ anh.

Nhạc thơ rào rạt ấy còn ngâm vang đến hôm nay, tôi cầm chắc trong tay tập “Tình Ca” mà Cung Trầm Tưởng vừa cho xuất bản, trong đó có sáu bài do Phạm Duy phổ nhạc và hai bức minh họa của Ngy Cao Uyên.

Đọc một đêm xong “Tình Ca”, tôi sung sướng nghĩ: những vì sao dù có xoay vần đến đâu thì rồi thế nào cũng lại trở về bầu trời chúng ta, như “máu trở về tim”.

Cung Trầm Tưởng đi Pháp học lâu năm – Cung Trầm Tưởng đã trở về Việt Nam, lăn lộn với cuộc sống. Từng ấy năm đầy đọng biến cố có làm thay đổi tâm trạng thơ Cung Trầm Tưởng không?

Đó là câu hỏi duy nhất tôi tự đặt ra trước khi đọc “Tình Ca”. Đọc xong, tôi có nhận xét rõ rệt như sau:

Cung Trầm Tưởng vẫn là người của thương yêu tha thiết. Ngày xưa yêu rừng, yêu núi, yêu sông. Ngày nay yêu tình yêu, yêu đàn bà, yêu cuộc đời. Ngày xưa cũng như ngày nay, Cung Trầm Tưởng không bao giờ buông ngừng hơi thở rào rạt cố hữu của anh. Quá khứ đi đến hiện tại không trên đường rầy của li dị. Quá khứ đi đến hiện tại bằng một chuyến tầu trầm trầm, nặng đầy tình cảm, tuần tự từ ga đầu đến ga chót, qua những rừng, núi, sông đến nguồn băng, phố tuyết, thị thành, đến tình yêu, đàn bà, đến cuộc đời. Ở mỗi chốn dừng chân, anh đều để lại ngần ấy thiết tha.

Chỉ có một điều khác, nó nằm trong địa hạt diễn tả. Cung Trầm Tưởng bộc phát ra ngoài bao nhiêu thì ngày nay lại trầm thu vào trong, nghe chừng mênh mang hơn.

Ta nghe đây người thơ ca ngợi cuộc đời:

Nhạc đời âm ti
hờn rên chín suối?
không không gió lộng
thổi rộng thiên đàng…
ta còn yêu ta (Tập Tinh Ca – Tình Ca)

Ngời thơ thấy thiên đàng chẳng ở đâu xa, ở ngay chính cuộc đời này, nếu có thương yêu.

Ta có thể phân “Tình Ca” ra làm hai đoạn: đoạn ly hương trong đó Cung Trầm Tưởng ca ngợi tình yêu vạn vật, đàn bà với lòng tha thiết cố hữu của anh, và đoạn hồi hương trong đó Cung Trầm Tưởng đã tỏ ra dù có sống xa đất nước lâu năm, anh vẫn phải trở về như “máu trở về tim”, yêu thương thêm đậm đà.

Đoạn ly hương:

Ta nghe đây người thơ với mùa thu, nhất là với mùa thu có tình yêu, nghĩa là có chờ đợi:

Mùa thu đêm mưa,
phố cũ hè xưa,
công trường lá đổ
ngóng em kiên khổ phút giờ

Mùa thu âm thầm
bên vườn Lục Xâm
ngồi quen ghế đá,
không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu
người em mắt nâu,
tóc vàng sợi nhỏ?
Mong em chín đỏ trái sầu (Tập Tình Ca – Mùa Thu Paris)

Thật sung sướng cho Michèle khi được người thơ yêu. Săn sóc giấc ngủ đến như sau thì thật là ân cần chu đáo:

Lửa vĩnh viễn khi tay người nối bấc
tôi còn xin cầu trợ ánh trăng yên;
xin hòa mơ lá mộng kéo rừng tiên
nhập đoàn với bóng hồn tôi hộ tống. (Tập Tình Ca – Michèle)

Tình Ca chẳng nguyên chú trọng về tình yêu đàn bà – Cung Trầm Tưởng đối với cảnh vật cũng tỏ ra ngần ấy lưu ái thiết tha. Có điều đặc biệt là anh nhìn cảnh vật đất người với một con mắt rất Á Đông. Trời và đồi nương Provence có “Provence” đến đâu, anh vẫn rất chủ quan:

Về đây tôi gặp lại tôi,
lang thang lối cũ, trước đồi sau nương
Ngô đồng lả ngọn thuần lương,
trời cao không đỉnh, mến thương không bờ

Cố tri khóm hạnh bây giờ,
vẫn màu niên cổ khoác chờ mối xưa.

hoặc:

Chân vui lối rộn khôn cùng,
Gần xa trời mở vòng cung thâu vào.
Chân phương lòng thấy nao nao,
Với muôn thương mến lên cao hơn trời. (Tập Tình Ca – Về đây)

Cung Trầm Tưởng đã tỏ ra rất sở trường về thể thơ lục bát. Những vần, những ý, những hình ảnh nối tiếp nhau, khó mà tách rời ra được, tôi đành viết trọn ra đây bài “Khoác Kín”:

Chiều đông tuyết lũng âm u,
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn:
ga thôi trơ nỗi, băng nguồn héo hon

Phường xa nhịp sắt bon bon,
tầu như dưới tỉnh núi còn vọng âm
Sân ga mái giọt âm thầm:
máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?

Mình tôi với tuyết non cao;
với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
với mây trên nhợt ánh tà;
với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.

Tôi về bước bước đăm chiêu,
tâm tư khoác kín, sợ chiều lạnh thêm. (Tập Tình Ca – Khoác kín)

Đoạn hồi hương:

Đi xa trở về, Cung Trầm Tưởng đã tỏ ra không bị “Tây hóa”. Khi yêu thì cũng biết kiên chờ, độ lượng như bất cứ một người Á Đông nào khi yêu. Khi vịnh cảnh thì cũng rất cổ điển, tinh vi như một họa sĩ thủy mặc.

Người thơ trở về đất nước, tình thành, lòng rào rạt thương yêu:

Vì tâm tư còn say hương mới lạ,
tôi còn yêu nên mới hẹn trở về
với vui vui đêm quán nhỏ cà phê,
câu anh phiếm với lời tôi túy lúy.

hoặc:

Nay mưa gió từ chiều xa hoang dại,
hẹn vui ngày đoàn tụ có tôi đây.
Chút thơ yêu xin ké hội xum vầy.
Ôi phố thị chiều nay sao náo nức!
Tôi còn yêu còn yêu tôi còn yêu… (Tập Tình Ca – Tôi còn yêu còn yêu tôi còn yêu)

Người thơ trở về, mối tình nơi đất người đành lỡ dở, đành xin hẹn kiếp sau:

Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (Tập Tình Ca – Kiếp sau)

Ngoài đặc tính trữ tình ra, “Tình Ca” còn chứa chất những hình ảnh rất đẹp:

Những mái nhà trùng điệp,
từng toa nối từng toa,
chở nặng chiều dương thế
về hoang thế đêm khuya
những vì sao bến kiệt.

hoặc:

Mái đầu tôi không tóc,
Chiều nay là một nóc nhà thờ,
mang linh hồn giáo chủ,
thân xuôi và tay ngang

làm một cây Thánh Giá
mang lên cắm đất những vì sao.
Những mái nhà, những vì sao
Cùng chung một thế giới. (Tập Tình Ca – Những mái nhà, những vì sao)

Để kết luận: ngoài một vài khuyết điểm về ấn loát, “Tình Ca” có thể đáng là một trong những tập thơ trình bầy đẹp nhất trong mười năm nay.

Ảnh: huyvespa

Phần giới thiệu 3 tác giả Thi – Nhạc – Họa trong tập Tình Ca:

Cung Trầm Tưởng: Tôi đã tìm được hồn nhạc ở Phạm Duy và nét vẽ ở Ngy Cao Uyên

Thi sĩ trẻ tuổi, xuất hiện trên thi đàn từ 1950. Sáng tác rất nhiều thơ, nhưng chỉ đăng một số ít bài rải rác trong các tạp chí văn nghệ như Phổ Thông, Mới, Đất Đứng…, và một vài nguyệt san của sinh viên Paris.

Mới đầu, chuyên sáng tác loại thơ rừng nặng tình non nước, như Man Rợ, Đà Giang, Chiều Rừng… (những bài này đã mang trình diễn tại đài phát thanh và rất được dân chúng hưởng ứng).

Sau, chuyên sáng tác loại thơ tình cảm, mà một số bài đã được Phạm Duy chọn lọc để phổ nhạc thành tập “Tình Ca” hiện đang bán khắp nơi.

Trong “Tình Ca”, Cung Trầm Tưởng ghi lại những kỷ niệm thương yêu đã sống thật trong mấy năm du học bên Tây Âu. Kỷ niệm thương yêu về người như “Mùa Thu Paris”, “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”; về cảnh như “Về Đây”, “Khoác Kín”…

Trở về Việt Nam, Cung Trầm Tưởng đôi khi có viết những bài về văn nghệ nói chung, về thơ nói riêng cho một vài tạp chí, dưới những bút hiệu khác. Ngoài ra, còn sốt sắng tham gia vào những cuộc thảo luận văn nghệ, bên cạnh những nhà văn tên tuổi.

Thi sĩ dự định cho xuất bản một ngày gần đây một giai phẩm gồm toàn thơ lục bát của anh và của vài thi sĩ khác đã tỏ ra rất sở trường về loại thơ thuần túy dân tộc này.

Ao ước lớn lao của Cung Trầm Tưởng là đi chu du vòng quanh thế giới bằng phương tiện tự túc, để ghi vào tâm trí người dân thường thuộc mọi màu da và mọi thứ tiếng, một ấn tượng về thanh niên Việt Nam.

Phạm Duy: Tôi cảm mến thơ Cung Trầm Tưởng vì qua âm điệu mình đọc được chính cảnh ngộ của mình

Nhạc sĩ rất quen biết của dân chúng trong vòng 15 năm nay, là người đã sáng tác hơn 100 bài ca, phổ thông khắp thành thị, thôn quê… Đáng kể là những bài theo thể tài “dân ca” trong những năm 46-50, như Dân Ca Thương Binh, Về Miền Trung, Quê Nghèo… và những bài gần đây như Tạ Ơn Đời, Một Bàn Tay, tập Tình Ca…

Phạm Duy tự học nhạc, nhưng được bổ túc thêm trong khi du học tại Ba Lê: Cours de Musicologie của ông Jacques Chailley; Cours de Piano của ông Robert Lopez… Phạm Duy nghiên cứu rất kỹ càng các loại nhạc cổ truyền Việt Nam (traditional music), rút nhạc liệu ở đó và cảm hứng ở đời sống nhân dân hiện tại để sáng tác những bài ca nối tiếp truyền thống nhạc bình dân xưa…

Phạm Duy đã từng làm trưởng nhiều ban kịch, hợp ca đi chu du khắp trong nước. Phạm Duy ao ước được đi học hỏi thêm ở những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Gần đây, tiến sang địa hạt nghệ thuật điện ảnh, Phạm Duy làm phụ tá đạo diễn, viết truyện phim, soạn nhạc và đạo diễn cho nhiều phim dài hoặc ngắn và là cộng tác viên đắc lực của Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia và USIS Saigon (Motion Pictures).

Năm nay, phim Làm Lại Cuộc Đời (Đông Phương Films) do Phạm Duy viết truyện và thực hiện đã được chọn để gửi đi dự Đại Hội Điện Ảnh Bá Linh.

Nguyễn Cao Uyên: Tôi diễn tả thơ “Tình Ca” bằng một vài nét tượng trưng, như thế thì mới có vẻ “thơ”

Họa sĩ Nguyễn Cao Uyên đã trình diện làng họa Việt Nam bằng 4 họa phẩm: Lang Thang, Đêm Trung Thu, Đàn Nguyệt, Giàn Nam; nhân cuộc Triển Lãm Xuân Kỷ Hợi.

Ham mê hội họa ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Cao Uyên suốt đời học sinh không lúc nào rời bút và màu. Từ năm 1947, Nguyễn Cao Uyên là học trò riêng của giáo sư Nam Sơn, một trong những người đã có công trong công cuộc sáng lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam. Năm 1954, Nguyễn Cao Uyên qua Âu Châu để trau dồi nghệ thuật, thăm viếng các viện bảo tàng, các phòng tranh thường trực và hòa mình với cuộc sống của các họa sĩ địa phương. Trong thời gian này Nguyễn Cao Uyên đã sáng tác nhiều họa phẩm sơn dầu, phần nhiều là phong cảnh các nơi đã viếng thăm: Paris, Aix, Nices, Côte d’Azur, Barcelona…

Năm 1957, họa sĩ trẻ tuổi này trở về Việt Nam và chuyển sang tranh lụa với hy vọng thổi một luồng gió mới vào lối vẽ cổ truyền Á Đông này. Với những đề tài mới, kỹ thuật cùng bố cục mới, tranh lụa của Nguyễn Cao Uyên có một sắc thái riêng biệt. Vì vậy, cuộc triển lãm đầu tiên của Nguyễn Cao Uyên, tổ chức ở thủ đô Manille vào hồi tháng 4 năm 1958 tại Contemporary Art Gallery đã gây được nhiều tiếng vang trong các trung tâm hội họa Á Châu. Báo Cultural News From Asia ấn hành tại New Delhi viết: “Trong việc dung hòa kỹ thuật Tây Phương với nội dung Đông Phương trên tranh lụa, Nguyễn Cao Uyên đã rất thành công”.

Hiện nay Nguyễn Cao Uyên đang làm việc ngày đêm để nghiên cứu xong một lối vẽ mới mà họa sĩ đã tự hứa làm quà cho khán giả Việt Nam trong cuộc triển lãm đầu tiên của họa sĩ tại quê nhà trong một ngày gần đây.

Văn Trang – Tạp chí Trẻ 1959, tư liệu của huyvespa





Theo Nhacxua.vn

Share:

Các bài viết khác:
Hot nhất Đêm hội Weibo: Dương Tử – Lý Hiện làm hành động giống hệt Lâm Tâm Như – Hoắc Kiến Hoa “gây bão” một thời
Hot nhất Đêm hội Weibo: Dương Tử – Lý Hiện làm hành động giống hệt Lâm Tâm Như – Hoắc Kiến Hoa “gây bão” một thời
[ad_1] Đêm hội Weibo diễn ra tối 11/1 là sự kiện rình rang bậc nhất làng giải trí Hoa ngữ không chỉ vì loạt giải thưởng mà còn bởi những...

Tiểu sử đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai
Tiểu sử đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai
[ad_1] Đạo diễn – Tiến sĩ, NSƯT Bùi Như Lai, người đã dành phần lớn thời gian cho sân khấu kịch mới đây đã bất ngờ trở lại phim truyền...

Nhạc sĩ Vũ Huyến và ca khúc Cô Hàng Nước thập niên 1950
Nhạc sĩ Vũ Huyến và ca khúc Cô Hàng Nước thập niên 1950
[ad_1] Tân nhạc Việt Nam, khởi thủy từ những bài hát Ta giai điệu Tây từ thập niên 1930, sau đó đến thập niên 1940 được tiếp nối bằng những...

Ca khúc “Sầu Tím Thiệp Hồng” (nhạc sĩ Hoài Linh & Minh Kỳ) và dấu ấn của đôi song ca Giao Linh – Tuấn Vũ thập niên 1990
Ca khúc “Sầu Tím Thiệp Hồng” (nhạc sĩ Hoài Linh & Minh Kỳ) và dấu ấn của đôi song ca Giao Linh – Tuấn Vũ thập niên 1990
[ad_1] Trong làng nhạc Sài Gòn đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Hoài Linh nổi tiếng với biệt tài viết lời rất hay cho các ca khúc nhạc vàng, nên...

Ca khúc “Về Đâu Mái Tóc Người Thương” – Tuyệt phẩm nhạc vàng đẹp như tranh vẽ của nhạc sĩ Hoài Linh
Ca khúc “Về Đâu Mái Tóc Người Thương” – Tuyệt phẩm nhạc vàng đẹp như tranh vẽ của nhạc sĩ Hoài Linh
[ad_1] Nhạc sĩ Hoài Linh nổi tiếng từ thập niên 1950-1960 với rất nhiều những ca khúc có ca từ mượt mà và lời ca đẹp như một bài thơ,...

Ca sĩ Dương Quốc Hưng tôn vinh giá trị truyền thống Việt dịp Tết
Ca sĩ Dương Quốc Hưng tôn vinh giá trị truyền thống Việt dịp Tết
[ad_1] Ca sĩ Dương Quốc Hưng mang không khí những ngày cuối năm ở TPHCM, Hà Nội vào MV, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống...

Tiểu sử Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên
Tiểu sử Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên
[ad_1] Người đẹp Nguyễn Thúc Thùy Tiên là đại diện của Việt Nam đã xuất sắc giành vương miện Miss Grand International 2021 – Hoa hậu Hòa bình Quốc tế....

Tiểu sử diễn viên Thạch Huyền
Tiểu sử diễn viên Thạch Huyền
[ad_1] Thông minh, xinh đẹp và tài năng là những lời khen mà mọi người dành cho diễn viên trẻ Thạch Huyền. Thật vậy, dù vào dạng vai nào, vai...

Bộ Văn hoá vinh danh ‘Anh trai vựơt ngàn chông gai’, ‘Anh trai say hi’
Bộ Văn hoá vinh danh ‘Anh trai vựơt ngàn chông gai’, ‘Anh trai say hi’
[ad_1] Tối 11/1 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương...

Tiểu sử ca sĩ Đức Phúc
Tiểu sử ca sĩ Đức Phúc
[ad_1] Giữa muôn vàn muôn vẻ cá tính khác nhau trong showbiz Việt, khó có thể tìm thấy ai hồn nhiên, dí dỏm, thật thà đến độ ngây ngô như...