Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Tình Em Biển Rộng Sông Dài (nhạc sĩ Thông Đạt) – “Hoà bình ơi, tình yêu em như sông biển rộng…”
Trong một bài viết về nhạc sĩ Văn Giảng, tác giả Lê Vũ Trường Giang đã có những nhận xét khá xác đáng về người nhạc sĩ tài hoa và đáng kính này của âm nhạc Việt Nam như sau: “Có thể nói, ở Văn Giảng có tới 3 con người: Con người thứ nhất là một Văn Giảng đáng kính, người thầy tận tụy trong làng nhạc; Con người thứ hai là một Nguyên Thông đáng quý với những dòng nhạc hương tỏa ánh đạo vàng; Con người thứ ba là Thông Đạt đáng yêu của những tình khúc bất hủ”.
Khi hiệp định Paris vừa được ký kết, nhạc sĩ Văn Giảng dưới bút danh Thông Đạt đã tung ra ca khúc Hoa Cài Mái Tóc với chất nhạc sôi động thể hiện niềm hân hoan, reo ca về một niềm mong mỏi có ngày được hòa bình sau nhiều năm dài lửa binh lan tràn. Một thời gian ngắn sau, nhạc sĩ tiếp tục tung ra ca khúc thứ hai thể hiện niềm hân hoan đó, ca khúc Tình Em Biển Rộng Sông Dài.
Cùng với Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài là một trong hai ca khúc nổi tiếng nhất viết về hoà bình của nhạc sĩ Văn Giảng. Gần nửa thập kỷ đã trôi qua, hai ca khúc này đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe nhạc bao thế hệ, bởi chất nhạc lồng lộng, da diết, xoáy sâu vào lòng người.
Hoà bình ơi
Tình yêu em như sông biển rộng
Tình yêu em như lúa ngoài đồng
Tình yêu em tát cạn biển đông
Hoà bình ơi, ơi hoà bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng
Sao em nỡ lòng…
Ai đã từng sống trong thời lửa binh loạn lạc mới thấu hiểu được hai chữ “hoà bình” quý giá như thế nào. Đó là niềm mong mỏi, là khát vọng, là lời khẩn cầu ngày đêm, là ước mơ và hy vọng suốt bao nhiêu năm loạn lạc, chìm trong khói lửa của con dân nước Việt. Nếu có ai hỏi rằng, ước mơ lớn nhất của dân tộc Việt Nam là gì thì câu trả lời chắc chắn là sẽ là hai chữ “hoà bình”. Chính vì sự quý báu và ám ảnh đó, mà nhạc sĩ đã đem nhân cách hoá hai chữ “hoà bình” thành chủ thể trữ tình để bày tỏ tình yêu, để van nài, giục giã, cầu khẩn.
Người về đây xin may áo cưới
Tặng người yêu vui trong gió mới
Tôi đón em đi về tôi đón em đi về
Xây dựng lại tình quê
Tình yêu hoà bình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trai gái đan xen, hoà quyện trong những lời ca nồng nàn và lôi cuốn.
Hoà bình ơi,
Chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hoà bình ơi, ơi hoà bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm trời khổ đau nhiều rồi
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi
Nếu ở nửa đầu ca khúc, nhạc sĩ nhân cách hoá “hoà bình” thành một chủ thể yêu đương thì đến đoạn hát sau cuối này, nhạc sĩ đã nâng tình cảm đó lên thành “tình mẫu tử”, thành sự trân trọng và thành kính, thành tình yêu lồng lộng, tự nhiên với quê hương xứ sở. Nguyện ước hoà bình không chỉ thành hình trong phút chốc, trong ngày 1 ngày 2 mà đã nung nấu, đã khát khao từ suốt ba mươi năm “khổ đau”, chinh ᴄhιến, loạn lạc.
Duy Khánh hát Tình Em Biển Rộng Sông Dài trước 1975
Tâm trạng mong cầu đó của nhạc sĩ Văn Giảng cũng chính là tiếng lòng chung của dân tộc Việt, của non sông đất nước không chỉ trong thời loạn lạc, mà cho đến tận ngày nay. Chinh ᴄhιến đã lùi xa gần nửa thế kỷ thì ca khúc Tình Em Biển Rộng Sông Dài cũng đã có nửa thế kỷ để chứng minh sức sống trường tồn, bất diệt của nó, bởi hoà bình không chỉ là ước muốn của riêng một thế hệ nào mà là ước muốn xuyên suốt từ hơn 4 ngàn năm nay của người Việt, của dân tộc Việt.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn