Trang chủ
Ca sĩ Bảo Yến kể về thời gian ám ảnh suốt cuộc đời, than trời sao mình khổ thế
– Trùng tên với danh ca Bảo Yến đã nổi tiếng bao năm, chị làm sao tạo dấu ấn để khán giả nhớ đến mà không lẫn với ai?
Nhiều người bảo hãy đổi nghệ danh nhưng tôi dứt khoát không. Bảo Yến là tên khai sinh, cũng gắn liền với tôi trong các cuộc thi. Tôi cũng thích cái tên này, thay vì đổi tên, tôi phải nỗ lực khẳng định tên tuổi, bởi nếu đổi tên mà hát không hay khán giả cũng không nhớ đến mình. Tôi sẽ cố gắng để cái tên Soprano Bảo Yến sẽ được biết đến là một ca sĩ thính phòng thực lực.
– Khán giả ngày càng khó tính, ngoài đòi hỏi hát hay, kỹ thuật tốt còn muốn ca sĩ phải đẹp, Bảo Yến giữ gìn hình ảnh như thế nào để lúc nào cũng lung linh trên sân khấu?
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng biết cách thưởng thức nghệ thuật. Với nghệ sĩ, thanh và sắc đều quan trọng. Điều kiện tiên quyết đối với một ca sĩ là thanh nhưng nếu vừa có thanh, vừa có sắc sẽ tốt hơn. Sắc không chỉ là nhan sắc mà còn là hình ảnh, diện mạo, trang phục, sự chỉn chu mỗi khi xuất hiện.
Bảo Yến luôn chú trọng lựa chọn trang phục, make-up, phụ kiện và tập trung vào chuyên môn, thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng khán giả cũng như sự trân trọng của nghệ sĩ đối với sân khấu. Ngoài vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp tâm hồn cũng rất quan trọng, vì khi tâm hồn đẹp, năng lượng và thần thái sẽ toát thêm phần hào quang.
– Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn của các nghệ sĩ, tình hình chạy show của Bảo Yến ra sao, cát sê có ổn?
May mắn là công việc của tôi vẫn ổn định. Tôi phải cân đối thời gian và chọn những show phù hợp. Sau Hòa nhạc Điều còn mãi của VietNamNet năm 2024, tôi được nhiều người biết đến hơn, số lượng show và cát-sê cũng tăng. Đây là duyên lành của tôi và chương trình Điều còn mãi.
– Cuối năm bận rộn, Bảo Yến làm thế nào để cân đối thời gian cho bản thân và con gái khi lịch tập luyện và biểu diễn dày đặc?
Con gái tôi mới học lớp 1 và đang nghỉ đông dài vì học trường quốc tế nên thời gian này thường dính lấy mẹ. Hôm nay không phải tập dàn nhạc, tôi tranh thủ đưa con đi cùng. Mỗi khi con nghỉ học, tôi đều đưa con theo dù là đi công việc, tranh thủ để mẹ con có thời gian bên nhau.
– Đó là cách chị bù đắp cho quãng thời gian con còn nhỏ phải xa mẹ khi chị sang Nga học thời gian dài?
Đến giờ tôi mới hiểu rõ công việc ảnh hưởng thế nào đến đời sống. Ngày trước, khi còn đi học, tôi nghĩ nếu có chồng con vẫn cân đối được việc chăm sóc gia đình và đi diễn. Nhưng đến giờ, hiểu rõ hơn đặc thù công việc, tôi mới thấm thía con thiệt thòi khi mẹ là ca sĩ. Điều này càng làm tôi có thêm động lực làm nghề nghiêm túc, không uổng công bản thân và gia đình đã hy sinh để tôi có thể tới ngày hôm nay.
– Thời trẻ, khi chưa hiểu hết, chị dám đánh đổi thanh xuân và gia đình vì sự nghiệp chứ còn như bây giờ chắc gì chị đã quyết tâm như vậy?
Vì bước vào nghề hồn nhiên và không lường trước được khó khăn, tôi mới dấn thân như vậy. Tôi luôn làm đến nơi đến chốn, dù biết vất vả và khó khăn. Nếu theo nghề khác, học 4 năm đại học ra trường vài năm có thể ổn định và thăng tiến, nhưng tôi đã học 15 năm và chỉ còn 2 tháng nữa sang Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ. Tôi kiên trì với nghề, dành cả thanh xuân cho việc học và đánh đổi nhiều nên sẽ không bao giờ từ bỏ.
– Nhìn lại hơn 10 năm “đánh đổi” và hy sinh, có khi nào chị ngạc nhiên vì đã vượt qua tất cả thử thách để có ngày hôm nay?
Nhìn lại, tôi thật sự tự nể bản thân vì sự kiên trì và quyết đoán. Rất ít người có thể vượt qua những khó khăn để theo đuổi mục tiêu bền bỉ, dai dẳng như vậy. Cuộc sống ở Nga đã cho tôi nếm trải nhiều biến cố, có những thứ ở lại, có những thứ mất đi, nhưng lòng trung thành với nhạc cổ điển không thay đổi. Nếu được chọn lại, tôi tin vẫn sẽ chọn con đường này.
Lúc học tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, tôi quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau năm đầu, tôi tốt nghiệp Sư phạm và gầy rộc vì phải hoàn thành việc học ở cả 2 trường nhưng vẫn quyết tâm đến cùng. Năm thứ 2 Nhạc viện, tôi nhận học bổng du học Nga – lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam không có học sinh được học bổng này.
Cơ hội đến bất ngờ, tôi hoang mang và chưa định hình được tương lai sẽ đi đâu về đâu nhưng tin vào câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên không bỏ lỡ. May mắn, thầy cô nhận thấy sự chăm chỉ, nghị lực, sự quyết liệt của tôi nên đã trao học bổng đó. Tôi học đủ 6 năm chính quy hệ chuyên gia dù giữa chừng lấy chồng, sinh con. Sinh con xong khi bé mới được hơn 10 tháng, tôi lại thắt ruột gan để con ở nhà với ông bà để sang Nga học tiếp vì biết không thể bỏ qua cơ hội này.
Năm 2020, tôi về Việt Nam đúng thời điểm dịch Covid bùng phát, phải bay về bằng chuyến bay giải cứu. Về đến nhà, một thời gian sau Hà Nội cũng giãn cách xã hội, công việc ngưng trệ. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sinh viên đi học theo hiệp định có bằng Giỏi sẽ được đăng ký học tiếp lên Tiến sĩ trong năm đó. Tôi biến thời gian vô ích thời Covid trở thành có ích bằng quyết định quay lại Nga học.
Nghĩ lại các cột mốc trong đời, tôi thấy mình không khác gì một con thiêu thân, lao vào học hành, âm nhạc với khao khát trang bị hành trang thật tốt trước khi về Việt Nam. Tôi cũng không hiểu âm nhạc cổ điển có ma lực gì khiến tôi bỏ tất cả mọi thứ mà kiên định như vậy. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ quyết định như vậy.
– Có thời điểm nào vì khó khăn quá mà chị ân hận với quyết định của mình, nhất là khi mới sang Nga và phải bỏ con 10 tháng tuổi lại quê nhà để tiếp tục việc học?
Tôi không ân hận nhưng mệt mỏi thì có. Nhiều lúc tôi than trời sao mình khổ thế! Đã chọn con đường này phải đi đến cùng, nhưng nó quá chông gai, gập ghềnh. Du học không sướng như mọi người nghĩ, sướng là có học bổng và không tiền mất học phí, sinh hoạt phí nhưng những khổ cực không kể hết.
Tôi cũng là một đứa lì đòn. Gia đình không có điều kiện, tôi vừa học, vừa phải làm thêm để trang trải cuộc sống, mua vé máy bay giúp đỡ bố mẹ. Ở nơi đất khách quê người, vừa lạnh lẽo, vừa khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, ẩm thực… tôi vừa phải học tốt, vừa phải kiếm tiền. Chưa lúc nào mà tôi không ôm đồm 2-3 nỗi áp lực một lúc. Chính tính ôm đồm, trách nhiệm khiến vất vả.
Thời điểm phải bỏ con ở nhà để quay lại Nga, tôi như đứt từng khúc ruột. Trống trải, hoang hoải, tôi tự trách bản thân rất nhiều. Đêm nào cũng nhớ con nằm xem camera ngắm con ngủ tới sáng. Quãng thời gian đó ám ảnh tôi suốt cuộc đời, để lại một khoảng trống không bao giờ lấp đầy trong lòng tôi.
Thời điểm dịch Covid-19 là nặng nề nhất, tôi đếm từng ngày để trở về Việt Nam. Tôi bị đại tràng nặng vì stress bởi giãn cách xã hội bên Nga. Tôi như ở tù trong ký túc xá lúc chồng con ở Việt Nam và thời điểm đó nhiều người không qua khỏi vì dịch bệnh. Tôi lo sợ và suy nghĩ tiêu cực, lỡ mình mắc Covid và không có gia đình ở bên, không được gặp con gái nữa.
Tôi lùng sục khắp nơi để tìm cơ hội trở về, nói với chồng nếu dù chuyến bay kéo dài 50 tiếng, chuyển tiếp bao nhiêu chặng cũng chấp nhận. Công cuộc xin được suất để về trên chuyến bay giải cứu rồi mua vé, di chuyển lên Moscow để về Việt Nam như thước phim mà cả gia đình tôi hồi hộp theo dõi. Cuối cùng, khi về đến Việt Nam, tôi như cởi bỏ được mọi căng thẳng. Đó là lần tôi thèm về nhà nhất và không thể nào quên.
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Luyện Phạm