HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG
- Tên thật: Ngô Đình Hộ
- Nghệ danh: Lê Thương
- Năm sinh – năm mất: 1914 – 1996
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Giáo viên, nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
- Ca khúc nổi tiếng: Hòn vọng phu, Thằng cuội
Nhạc sĩ Lê Thương là ai?
Nhắc về thế hệ nhạc sĩ tiên phong có nhiều đóng góp cho sự hình thành của tân nhạc Việt Nam thì không thể không nhắc đến Lê Thương. Ông đã luôn hiện diện trong lịch sử tân nhạc Việt Nam kể từ lúc mới xuất hiện cho đến nhiều năm sau đó với các vai trò khác nhau, từ sáng tác lúc tân nhạc còn “phôi thai”, sau đó đến tình diễn, giảng dạy, viết bài báo về nhạc và nghiên cứu âm nhạc.
Tuy nhiên, các chi tiết về cuộc đời của nhạc sĩ Lê Thương rất manh mún, ít người biết. Có thể do ông không thích phô trương và luôn sống đời giản dị.
Theo tìm hiểu, Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8/1/1914 tại phố Hàm Long, Hà Nội. Cũng có thông tin cho rằng ông sinh ở Nam Định trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ cổ nhạc.
Trong hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương sinh năm 1913, là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Ông từng theo học ở trường Nhân Bắc (Hà Nội). Thời còn đi học, ông tích cực tham gia các phong trào ca hát.
Có tài liệu ghi chép, Lê Thương mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, cha sớm tục huyền nên 4 anh em ông (3 trai, 1 gái) được đem về Hà Nội nuôi. Bà nội theo đạo Thiên chúa ở khu phố Hàm Long nên Lê Thương được dưỡng dục trong môi trường của gia tộc sùng đạo. Ông được bà cho học trường dòng, kiến thức âm nhạc của ông cũng được hấp thụ từ môi trường này chứ không được học qua trường lớp nhạc lý nào cả. Ông từng có thời gian đi tu và sau đó hoàn tục.
Năm 1935 ông tốt nghiệp ngành sư phạm và chính thức trở thành thầy giáo, dạy ở Hà Nội. Sau đó, ông chuyển về dạy ở trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng). Tại đây, ông cùng với Hoàng Quý, Hoàng Phú (nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ và Canh Thanh thành lập nhóm nhạc trẻ. Nhóm bắt đầu sáng tác, hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch của nhóm kịch Thế Lữ tại Hải Phòng. Nhóm cũng hay theo ban kịch đi hát tại Hà Nội, Vĩnh Yên. Đây cũng là thời điểm mà nhiều ca khúc của ông được giới thiệu đến khán giả như: Đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu…
Trong thời điểm này, ông đã sử dụng bút danh “Lê Thương”. Bút danh này được ghép từ họ mẹ với tên con sông Thương – con sông đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ trong những dịp nghỉ hè ở đồn điền tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) của gia đình người bạn học. Đây cũng là nơi ông có dịp ngắm tượng đá vọng phu, là nguồn cảm hứng sáng tác nên ca khúc bất hủ trong nền tân nhạc Việt Nam.
Năm 1941, Lê Thương rời Hải Phòng chuyển vào sống và làm việc tại một số tỉnh, thành ở miền Nam. Ban đầu, ông sống tại Bến Tre, sau đó chuyển lên Sài Gòn tham gia sinh hoạt âm nhạc cùng các văn nghệ sĩ ở đây.
Năm 1945, Lê Thương tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp ở khu vực Bình Đài (thuộc tỉnh Bến Tre). Trong lúc hoạt động cách mạng, ông bị quân Pháp bắt giữ. Ông bị Pháp giam cầm đến năm 1948 thì được trả tự do. Sau khi ra tù, ông bị mất liên lạc với tổ chức nên quyết định trở về Sài Gòn. Từ năm 1954 đến 1975, ông công tác tại Bộ Quốc gia Giáo dục của chính quyền VNCH.
Về cuộc sống gia đình
Không có quá nhiều nguồn thông tin về cuộc sống gia đình của nhạc sĩ Lê Thương. Tuy nhiên, một số tài liệu manh mún có chép: Ông lập gia đình cùng một người phụ nữ ở Pháp về và họ có 9 người con. Ông cũng có 2 mối tình, người đầu tiên là cô đào nổi tiếng ở Hà Nội. Người thứ hai là một vũ nữ tại Chợ Vườn Chuối Sài Gòn.
Mặc dù là một nhạc sĩ tài hoa nhưng nghề chính của ông là dạy học. Ông từng là giáo sư Sử Địa, có thời gian giảng dạy tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng từng là giáo sư Pháp ngữ tại trường trung học Pétrus – Ký vào thập niên 60. Ông cũng từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc gia Giáo dục và là giảng viên trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ.
Nhạc sĩ Lê Thương – người tiên phong viết tân nhạc
Có thể nói, nhạc sĩ Lê Thương là một trong những người tiên phong viết tân nhạc Việt Nam, dòng nhạc được bắt đầu khoảng năm 1938. Ông được nhiều thế hệ kính trọng, ngay cả nhạc sĩ Văn Cao cũng luôn gọi Lê Thương là thầy dạy nhạc.
Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, khi nhắc đến bậc đàn anh Lê Thương, ông kể: Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất hay, nhưng lại sống giản dị… Lê Thương có những đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh chống quân xâm lăng, giành độc lập tự do của toàn thể nhân dân…
Nhạc sĩ Lê Thương bắt đầu sáng tác vào khoảng năm 1937 khi ông đang làm công tác giảng dạy tại Hải Phòng. Trong thời gian đi biểu diễn cùng ban nhạc trẻ “Đồng Vọng”, ông cho ra mắt các ca khúc như “Tiếng đàn đêm khuya”, “Trên sông Dương Tử”, “Một ngày xanh”…
Đến năm 1944, ông viết trường ca “Hòn vọng phu”. Đây cũng là thời điểm ông theo Việt Minh tham gia công tác tuyên truyền cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau khi hoàn thành “Hòn vọng phu 1”, ông đưa cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đem ra Hà Nội.
Từ năm 1945 đến 1946, ông “thai nghén” và cho ra đời ca khúc “Hòn vọng phu 2”. Ca khúc được viết trên đường theo kháng chiến ở vùng Mỹ Tho (Bến Tre). Ca khúc này nhanh chóng được yêu thích trên các sân khấu ở Sài Gòn khoảng năm 1948. Đây cũng là năm ông hoàn thành ca khúc “Hòn vọng phu 3 – Người chinh phu trở về”.
Trường ca “Hòn vọng phu” là tác phẩm lớn lao, bất diệt. Nó đã làm nổi bật tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương trong làng tân nhạc Việt Nam gần 100 năm qua.
Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Lê Thương cho ra đời các nhạc phẩm ca ngợi con người bình dị thôn quê nhưng có tấm lòng lớn lao cao cả: Bà mẹ Việt Nam, Bà Tư bán hàng…
Từ cuối năm 1947, sau khi được quân Pháp trả tự do, ông về Sài Gòn viết báo về âm nhạc và dạy học. Thời gian này, ông cũng tích cực sáng tác. Ông cùng với nghệ sĩ Trần Văn Trạch tiên phong viết thể loại nhạc hài hước mang sắc thái châm biếm như: Hòa bình 48, Làng báo Sài Gòn, Đốt hay không đốt, Liên hiệp quốc… Những ca khúc này được Trần Văn Trạch trình bày nhiều lần trên sân khấu và ở ban Sầm Giang.
Cũng vì sáng tác và phổ biến những ca khúc thuộc loại nhạc hài hước, châm chiếm mà mà ông cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Văn Trạch đã bị bắt giam một thời gian ngắn trong khám Catinat năm 1951.
Không chỉ sáng tác thể loại hài hước, châm biếm, nhạc sĩ Lê Thương còn dành nhiều thời gian sáng tác tình ca thời tiền chiến, nhạc trường ca, nhạc kháng chiến. Ông chính là “cha đẻ” của các bài Truyện Ca nổi tiếng: Hoa Thủy Tiên, Lịch sử loài người, Nàng Hà Tiên.
Nhạc sĩ Lê Thương cũng là người tiên phong viết nhạc dành cho thiếu nhi, điển hình là ca khúc “Thằng cuội” được hát vào dịp Trung thu: “Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…”.
Từng có thời gian Lê Thương và nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non dành cho thiếu nhi, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cũng từ đó, ông sáng tác nhạc thiếu nhi nhiều hơn: Con mèo trèo cây cau, Thằng bé tí hon, Tuổi thơ…
Nhạc sĩ Lê Thương còn sáng tác một ca khúc cho lứa tuổi học sinh thời thập niên 1960 đến 197, đó là “Học sinh hành khúc” với lời nhạc: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sai/ Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…”.
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Lê Thương còn đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn như: Nhớ Lào (nhạc Lào), Lòng trẻ trai (nhạc Mỹ), Hoa anh đào (cổ nhạc Nhật Bản)…
Nhạc sĩ Lê Thương và quan niệm “âm nhạc đậm phong vị dân tộc”
Tác giả Nguyễn Đình San (Báo Công an nhân dân) chia sẻ: Do yêu cầu công việc khi còn làm báo đồng thời cũng là sở thích nên Đình San thường chủ động làm quen với các văn nghệ sĩ mình mến mộ, mong tìm thấy ở họ những điều mình có thể học tập trong lao động nghệ thuật. Năm 1985, khi ông làm phóng viên nghệ thuật của tờ báo Trung ương, trong một lần vào công tác TP Hồ Chí Minh đã lần mò tìm địa chỉ số 55 Bùi Viện (quận 1) để tìm gặp nhạc sĩ Lê Thương.
Lần đầu gặp nhạc sĩ Lê Thương cũng là lần duy nhất, Đình San đã bộc lộ với ông mục đích đến thăm là như thế. Lê Thương tỏ ra hứng khởi để trò chuyện thân mật, cởi mở, nhất là khi Đình San cũng là một người Hà Nội – nơi ông sinh và gắn bó cả tuổi thơ.
Thoạt nhìn thì thấy Lê Thương khó tính, thiếu cởi mở bởi dáng vẻ có phần mô phạm, đạo mạo, giống như một viên quan chức hơn là một nhạc sĩ. Nhưng khi tiếp xúc lâu, càng nói chuyện, nhất là chuyện âm nhạc, văn chương thì càng thấy ông thâm thúy, uyên bác, dí dỏm, hài hước.
Lê Thương có lối sống giản dị, khiêm nhường, không ồn ào, không khoa trương dù rất nổi tiếng. Đây là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ.
“Tôi càng lúc càng bị ông cuốn hút bởi những tâm sự về cuộc sống, về sáng tác và mọi thứ nhân tình thế thái trên đời. Trong lần tiếp xúc ấy, tôi được biết nhiều về ông”, Đình San kể lại.
Tâm sự về quá trình “thai nghén” rồi sáng tác “Hòn vọng phu”, nhạc sĩ Lê Thương nói: Khi chuẩn bị thi Đip-lôm thì có hãng buôn của Pháp tuyển người vào làm việc tại Sài Gòn. Lê Thương tham dự và trúng tuyển, liền khăn gói vào Nam lập nghiệp để bớt gánh nặng cho bà nội và cũng để thỏa chí ngao du. Chính dịp vào Nam đầu tiên này đã “thai nghén” trong ông bài “Hòn vọng phu”.
Ông kể chi tiết, đó là năm 1934, bắt đầu chuyến đi vào Sài Gòn. Lúc qua đèo Cù Mông (ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa), ông ấn tượng với hòn đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông đèo Cả. Sau đó có dịp xuống Hà Tiên (nay thuộc Kiên Giang) chơi, ông cũng nhìn thấy hòn vọng phu trong vịnh Thái Lan.
Trước đó, hồi còn đi học, ông bị ám ảnh những câu thơ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn: “Chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung…” và “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao…”.
Mùa xuân năm 1943, ông chứng kiến cảnh một người phụ nữ phải nuôi con nhỏ, cứ ngóng chồng về mà không thấy. Sau cùng biết chồng bỏ mạng nơi chiến địa, chị ngẩn ngơ, đua khổ, thẩn thơ…
Tất cả các chi tiết trên đã thôi thúc Lê Thương viết một mạch “Hòn vọng phu” với những câu mở đầu trầm hùng, bi thương, ai oán: “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn/ Quan với quân lên đường/ Đoàn ngựa xe cuối cùng/ Vừa đuổi theo lối sống…”. Lê Thương từng kể, những lời ca trên sở dĩ ông viết ra được là từ sự gợi mở của hai câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”: “Trồng tràng thành lung lay bóng nguyệt. Khói cam tuyền mờ mịt thức mây”. Sau thành công của “Hòn vọng phu 1”, nhạc sĩ Lê Thương tiếp tục viết “Hòn vọng phu 2” và “Hòn vọng phu 3”.
Tuy nhiên, “Hòn vọng phu 1” vẫn là tác phẩm được biết đến nhiều hơn. Ca khúc này vượt trội hơn hẳn nhiều bài của các nhạc sĩ dòng cải cách cùng thời. Đặc biệt, giai điệu của nó không bị ảnh hưởng nhạc Tây phương, nội dung không chỉ nói chuyện luyến ái, tương tư trai gái mà có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đề cập đến thân phận người phụ nữ trong chiến tranh với sự hi sinh, mất mát lớn lao của họ.
Âm nhạc của Lê Thương đậm đà phong vị dân tộc. Ông đề cao yếu tố truyền thống trong các nhạc phẩm của mình. Theo như ông nói với tác giả Đình San: “Không mang đậm phong vị dân tộc, chớ mong tác phẩm sống được lâu, nhất là âm nhạc”.
Tuy có tài nhưng Lê Thương sống với tình cảnh khá chật vật, luôn eo hẹp về tài chính bởi… ông có đến 9 người con. Sau 1975, Lê Hữu Phước đến thăm Lê Thương, cảm thông cảnh khó khăn của ông mà có ý định tìm cách giới thiệu để ông có thể in một tập sách viết về cuộc đời của một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng với lời hứa nhuận bút đáng kể. Nhưng khi nhà xuất bản đề nghị thay đổi một số nghệ sĩ thì ông từ chối.
Không những vậy, nhiều hãng thu băng, đĩa nhạc sẵn sàng mua bài hát với gia cao kèm điều kiện phải để học tự ý sửa chữa lời nhằm phục vụ những ý định nào đó. Ông thẳng thừng khước từ. Điều này chứng tỏ, ông là người luôn có chủ kiến rất cao về mọi tác phẩm của mình. Ông không bao giờ vì tiền mà dễ dàng để tác phẩm bị sửa chữa.
Sau sự kiện 30/4/1975, có nhiều người rủ ông ra nước ngoài, hứa hẹn một cuộc sống sung túc nhưng ông từ chối. Ông nói với Đình San: “Không ở đâu có cuộc sống tốt bằng Tổ quốc, quê hương mình. Rời xa, có thể giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn về tinh thần”.
Ngày 17/9/1996, gia đình và đồng nghiệp nói lời chào vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Thương. Ông ra đi để lại sự nghiệp đáng trân trọng với những dấu ấn không thể phai mờ gắn với buổi sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Lê Thương giữa những người đương thời
Trong mắt những người đương thời, Lê Thương là nhạc sĩ uyên bác nhưng khiêm nhường, giản dị, có giọng nói sang sảng, tích nói chuyện tiếu lâm. Trần Văn Khê từng bảo rằng, trong các nhạc sĩ ông thân thì thân nhất là Lưu Hữu Phước, kế đến là Lê Thương, rồi mới tới Phạm Duy.
Trong hồi ký của Phạm Duy, khi nhắc về Lê Thương, ông viết: “Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương… Tôi cũng cho rằng trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài hát, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng một thông điệp…”.
Nhạc sĩ Văn Cao thừa nhận đã chịu ảnh hưởng của âm nhạc Lê Thương với phong cách dung hòa giữa thất cung Tây phương và ngũ cung Việt Nam.
“Tôi không hẳn là một người tiền phong (của Tân nhạc Việt Nam), mà trước đó đã có những người sáng tác từ lâu. Thí dụ như anh Nguyễn Văn Tuyên, rồi thì anh Nguyễn Xuân Khoát… Nhưng mà có lẽ người làm cho tôi kích động nhất để đi làm âm nhạc thì đó là anh Lê Thương. Những dòng nhạc của anh ấy đem lại hơi thở của một giai điệu Việt Nam”, nhạc sĩ Văn Cao trả lời phỏng vấn.
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Lê Thương đã để lại rất nhiều nhạc phẩm ấn tượng. Amnhac.net xin phép được liệt kê:
Bản đàn xuân; Bông hoa rừng; Cô bán bánh; Con chuồn chuồn; Con cóc leo võng; Con mèo trèo cây cau; Con muỗi; Cung đàn Nam; Đàn bao tuổi rồi; Đàn tình xưa; Đốt hay không đốt; Hoa thủy tiên; Học sinh hành khúc; Hòn vọng phu 1; Hòn vọng phu 2; Hòn vọng phu 3; Làng báo Sài Gòn; Lịch sử loài người 1 – 2; Lời kỹ nữ; Lời vũ nữ; Lòng mẹ Việt Nam; Một ngày xanh; Nàng Hà Tiên; Người chơi độc huyền; Nhớ Lào; Nhớ thày xưa; Ông Nhang bà Nhang; Ông Nỉnh, ông Nang; Tâm sự ca nhân; Thằng bé tí non; Thằng Cuội; Thu trên đảo Kinh Châu; Tiếng đàn đêm khuya; Tiếng thu; Tiếng thùy dương; Trên sông Dương Tử; Truyền kỳ Việt sử; Tuổi thơ; Xuân yêu đương.